Những lưu ý cần biết để tránh rủi ro khi mua đất? Chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đáp ứng điều kiện nào?
Quy định về quyền chung của người sử dụng đất?
Đối với quy định về quyền chung của người sử dụng đất thì tại Điều 166 Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể như sau:
"Điều 166. Quyền chung của người sử dụng đất
1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai."
Những lưu ý cần biết để khi mua đất tránh gặp rủi ro? Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)
Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất?
Căn cứ theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cụ thể như sau:
"Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính."
Theo đó, điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm:
- Có Sổ đỏ
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Đất không có tranh chấp;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Đối với quy định về việc có sổ đỏ để đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì trường hợp không cần phải có sổ đỏ nhưng vẫn thực hiện được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Người nhận thừa kế mà tài sản là quyền sử dụng đất nhưng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì không được cấp Sổ đỏ nhưng được quyền chuyển nhượng.
Trường hợp 2: Tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 được chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi:
+ Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được quyền bán đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất;
+ Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền bán khi có điều kiện để cấp Sổ đỏ (chưa cần có Sổ).
Những lưu ý khi mua bán đất để tránh gặp rủi ro?
Xác minh thông tin bên chuyển nhượng (bên bán):
Theo quy định tại khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định rằng:
Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Theo đó, có 02 trường hợp được thực hiện quyền chuyển nhượng đất:
+ Người đứng tên trên Giấy chứng nhận (Sổ đỏ)
+ Người được ủy quyền thực hiện quyền chuyển nhượng
Trường hợp nếu thửa đất là tài sản chung của vợ chồng thì tại khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định rằng việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
Theo đó, khi thửa đất là tài sản chung thì cần phải có sự đồng ý của cả vợ và chồng.
Trường hợp thửa đất là tài sản chung của nhiều người thì khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định rằng:
Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Theo đó, nếu chuyển nhượng toàn bộ thửa đất mà có nhiều người chung quyền sử dụng đất thì phải có sự đồng ý của tất cả những người đứng tên trong Sổ.
Xác minh đất có sổ đỏ hay chưa
Chỉ có 2 trường hợp được chuyển nhượng đất mà không cần sổ đỏ được quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013. Do đó, ngoại trừ 2 trường hợp trên thì việc chuyển nhượng đất cần phải có sổ đỏ.
Xác minh đất có thuộc phạm vi quy hoạch không
Theo quy định tại Điều 49 Luật Đất đai 2013 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018) quy định thì
Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Đặt cọc khi mua bán đất
Đối với quy định về trường hợp đặt cọc khi mua bán đất thì tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể rằng:
Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Theo đó, khi bên bán có yêu cầu đặt cọc thì người mua cần lập hợp đồng đặt cọc, có người làm chứng hoặc công chứng, chứng thực để tránh xảy ra tranh chấp.
Công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định rằng:
Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
Như vậy, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phải công chứng hợp đồng chuyển nhượng.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bạo lực học đường là hành vi như thế nào? Biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường được thực hiện như thế nào?
- Tố tụng hình sự là gì? Ai ban hành Bộ luật Tố tụng Hình sự? 27 nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật Tố tụng Hình sự?
- Tốc độ tối đa của xe buýt từ 2025 theo Thông tư 38/2024 là bao nhiêu? Có những loại xe cơ giới nào?
- Thời điểm bổ nhiệm tổ trưởng tổ chuyên môn trường trung học cơ sở? Tổ chuyên môn có tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên không?
- Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến hay, chọn lọc? Năm học 2024 2025, học sinh các cấp sẽ học theo chương trình mới đúng không?