Nguyên tắc thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời được hướng dẫn thực hiện ra sao?
Nguyên tắc thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời được hướng dẫn thực hiện ra sao?
Về công tác hướng dẫn, ngày 06/09/2022 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo đó, nguyên tắc "Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời" tại khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 được hướng dẫn theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP như sau:
(1) "Thiệt hại thực tế"
- Thiệt hại thực tế là thiệt hại đã xảy ra, bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Cụ thể:
+ Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm;
+ Thiệt hại về tinh thần là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất đó;
- Thiệt hại về thực tế được tính thành tiền tại thời điểm giải quyết bồi thường;
- Thiệt hại phát sinh sau thời điểm giải quyết bồi thường lần đầu được xác định tại thời điểm giải quyết bồi thường lần tiếp theo nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại.
(2) "Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ"
Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ là tất cả các thiệt hại thực tế xảy ra đều phải được bồi thường;
(3) "Thiệt hại phải được bồi thường kịp thời"
Thiệt hại phải được bồi thường kịp thời là thiệt hại phải được bồi thường nhanh chóng nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại;
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự để giải quyết yêu cầu cấp bách của người bị thiệt hại.
Ví dụ: buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng...
(4) Đảm bảo việc bồi thường thiệt hại toàn bộ và kịp thời
- Để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại toàn bộ và kịp thời, việc giải quyết vấn đề bồi thường trong vụ án hình sự, vụ án hành chính phải được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính;
- Trường hợp vụ án hình sự, vụ án hành chính có nội dung giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại nhưng chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính thì vấn đề bồi thường có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
(5) Người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ thiệt hại thực tế
- Người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ;
- Trường hợp người yêu cầu bồi thường thiệt hại không thể tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nguyên tắc thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời được hướng dẫn thực hiện ra sao? (Hình từ Internet)
Thiệt hại do nhiều người cùng gây ra thì thực hiện bồi thường thế nào?
Căn cứ vào Điều 587 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp có thiệt hại do nhiều người cùng gây ra thì những người này phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.
Theo đó, trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người. Nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Ví dụ: A, B, C vô tình làm cháy nhà D, gây thiệt hại 1,5 tỷ đồng. Khi đó, A, B, C có trách nhiệm cùng nhau bồi thường thiệt hại cho D. Mức bồi thường sẽ dựa theo mức độ lỗi của từng người. Nếu không xác định được A, B, C có mức độ lỗi ra sau thì mức bồi thường của 3 người là bằng nhau - 500 triệu đồng.
Vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được thực hiện theo những nguyên tắc cơ bản nào?
Căn cứ Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015, nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định như sau:
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Như vậy, khi có thiệt hại xảy ra, việc bồi thường thiệt hại cần tuân thủ theo 05 nguyên tắc trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh phải có tên miền như thế nào? Trách nhiệm của cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến?
- Người quản lý sử dụng công trình xây dựng có được tổ chức thực hiện phá dỡ công trình xây dựng không?
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen đi học muộn lớp 10? Học sinh lớp 10 có quyền gì?
- Mẫu Báo cáo hoàn thành công tác bảo hành công trình của nhà thầu thi công xây dựng? Tải mẫu báo cáo mới nhất?
- Chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở nào? Nội dung chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng?