Người dùng Facebook cần lưu ý gì từ ngày 25/12/2024? Điều kiện quản lý nội dung, thông tin đối với mạng xã hội ra sao?
Người dùng Facebook cần lưu ý gì từ ngày 25/12/2024?
Người dùng Facebook sẽ cần lưu ý một số thay đổi quan trọng từ ngày 25/12/2024. Câu hỏi "Người dùng Facebook cần lưu ý gì từ ngày 25/12/2024?" đang được nhiều người quan tâm khi có những cập nhật và chính sách mới từ mạng xã hội này.
Dưới đây là những điều mà người dùng Facebook cần lưu ý:
(1) Người dùng phải đăng ký tài khoản Facebook bằng số điện thoại/số định danh chính chủ.
Căn cứ tại điểm đ khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Cung cấp thông tin xuyên biên giới
...
3. Chỉ những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam (total visits) thường xuyên trong 01 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 06 tháng liên tục) từ 100.000 (một trăm nghìn) lượt trở lên có trách nhiệm như sau:
...
đ) Lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân); trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội là trẻ em (dưới 16 tuổi) thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội;
Cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ công tác quản lý nhà nước, công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; bảo đảm người sử dụng dịch vụ có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam được sử dụng thông tin của mình cho mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác; thực hiện xóa thông tin của người sử dụng dịch vụ sau khi hết hạn thời gian lưu trữ theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Facebook thuộc trường hợp phải lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân).
(2) Trẻ dưới 16 tuổi đăng ký tài khoản mạng xã hội bằng thông tin của cha, mẹ.
Cũng theo điểm đ khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định, trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội là trẻ em (dưới 16 tuổi) thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
(3) Người dùng Facebook đăng tải nội dung vi phạm pháp luật có thể bị khóa tài khoản vĩnh viễn.
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Các bộ, ngành, địa phương sẽ kiểm tra, xử lý, yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định của pháp luật theo, ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý được phân công trên Facebook.
Trường hợp pháp luật chuyên ngành chưa có quy định thì Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an là cơ quan tiếp nhận thông báo, hỗ trợ xử lý các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và liên hệ, gửi yêu cầu xử lý cho Facebook.
Đồng thời, Facebook có trách nhiệm xử lý nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật như sau:
- Gỡ bỏ nội dung vi phạm:
Việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật thực hiện chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Tạm khóa tài khoản:
Đối với các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật (trong 30 ngày có ít nhất 05 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần cung cấp nội dung vi phạm bị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ):
+ Thực hiện việc khóa tạm thời các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
+ Thời gian khóa tạm thời từ 07 ngày đến 30 ngày, tùy thuộc vào số lần và mức độ vi phạm.
- Khóa vĩnh viễn tài khoản:
Khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành: Thực hiện việc khóa vĩnh viễn các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập khi đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đã bị khóa tạm thời từ 03 lần trở lên.
(4) Tài khoản Facebook chỉ được đăng bài, bình luận, livestreams khi đã xác thực bằng số điện thoại/số định danh
Theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP có nêu rõ Facebook có trách nhiệm thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.
Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Người dùng Facebook cần lưu ý gì từ ngày 25/12/2024? Điều kiện quản lý nội dung, thông tin đối với mạng xã hội ra sao? (Hình ảnh Internet)
Điều kiện quản lý nội dung, thông tin đối với mạng xã hội ra sao?
Căn cứ khoản 2 Điều 28 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện về quản lý nội dung, thông tin đối với mạng xã hội như sau:
(1) Có Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội bảo đảm đầy đủ các nội dung được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 29 Nghị định 147/2024/NĐ-CP; đăng tải Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội trên trang chủ mạng xã hội; bảo đảm người sử dụng dịch vụ phải đồng ý Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội (bằng phương thức điện tử) thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tính năng của mạng xã hội;
(2) Có nhân sự trực 24/7 để xử lý các vấn đề gồm: Tiếp nhận, xử lý và phản hồi các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam; giải quyết và phản hồi khiếu nại từ người sử dụng dịch vụ Việt Nam;
(3) Có giải pháp kiểm duyệt nội dung đăng tải trên mạng xã hội;
(4) Có biện pháp bảo vệ thông tin của người sử dụng dịch vụ;
(5) Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng dịch vụ trong việc cho phép thu thập thông tin của mình hoặc cung cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác;
(6) Không sắp xếp nội dung đăng tải của người sử dụng theo các chuyên mục cố định; không đăng tải hoặc cho người sử dụng (bao gồm cả nhân sự của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội) sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí và đăng tải lên mạng xã hội. Đối với các cơ quan báo chí đăng tải nội dung trên mạng xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm g khoản 6 Điều 24 Nghị định 147/2024/NĐ-CP;
(7) Phân loại và hiển thị cảnh báo các nội dung không phù hợp với trẻ em; triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Điều kiện cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước gồm những gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 25 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước:
- Là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề đăng ký kinh doanh đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phù hợp với dịch vụ mạng xã hội cung cấp;
- Đã đăng ký sử dụng tên miền để cung cấp dịch vụ mạng xã hội và đáp ứng quy định tại Điều 26 Nghị định 147/2024/NĐ-CP;
- Đáp ứng các điều kiện về tổ chức, nhân sự và kỹ thuật theo quy định tại Điều 27 Nghị định 147/2024/NĐ-CP;
- Có biện pháp quản lý nội dung, thông tin theo quy định tại Điều 28 Nghị định 147/2024/NĐ-CP.
Lưu ý: Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất bao nhiêu % thành viên? Nguyên tắc hoạt động của hội đồng thẩm định giá là gì?
- Ai có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính?
- Hóa đơn điện tử của cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh có bắt buộc phải có chữ ký số của người mua không?
- Cơ sở sản xuất con dấu được trực tiếp giao con dấu nào cho khách hàng? Trách nhiệm về việc đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự?
- Hộ gia đình sử dụng đất ổn định trong bao lâu thì được Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai mới?