Mẫu Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo quy định mới nhất 2024? Thủ tục cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý?
Mẫu Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo quy định mới nhất 2024?
Hiện nay, theo quy định mới nhất tại Thông tư 10/2023/TT-BTP thì mẫu Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý (Mẫu TP-TGPL-11) theo Thông tư 08/2017/TT-BTP được thay thế bằng Mẫu TP-TGPL-11 ban hành kèm theo Thông tư 10/2023/TT-BTP.
Do đó từ 15/02/2024 (ngày Thông tư 10/2023/TT-BTP phát sinh hiệu lực) thì Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý thực hiện thống nhất theo mẫu Mẫu TP-TGPL-11 ban hành kèm theo Thông tư 10/2023/TT-BTP.
Tải về Mẫu Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý
Mẫu Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo quy định mới nhất 2024? (Hình từ Internet)
Thủ tục cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý?
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 144/2017/NĐ-CP thì thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý được cấp lại trong trường hợp thẻ cộng tác viên bị mất hoặc bị hư hỏng không sử dụng được. Theo đó, thủ tục cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý như sau:
Bước 1:
Cộng tác viên làm đơn đề nghị cấp lại thẻ (theo mẫu) kèm theo 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm gửi Trung tâm trợ giúp pháp lý.
Bước 2:
Trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại thẻ, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý kiểm tra danh sách cộng tác viên theo số thẻ đã cấp cho cộng tác viên và đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp quyết định cấp lại thẻ cộng tác viên cho người đề nghị.
Bước 3:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ do Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý trình, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, quyết định cấp lại thẻ cộng tác viên. Thẻ cộng tác viên được cấp lại giữ nguyên số thẻ được cấp lần đầu nhưng thời gian cấp ghi trên thẻ là ngày được cấp lại.
Trường hợp thay đổi nơi cư trú từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác thì cộng tác viên đến Trung tâm nơi đã tham gia làm cộng tác viên thanh lý hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và nộp lại thẻ cộng tác viên đã được cấp. Nếu có nguyện vọng làm cộng tác viên thì đến Trung tâm nơi cư trú mới làm thủ tục cấp thẻ cộng tác viên theo quy định tại Điều 16 Nghị định 144/2017/NĐ-CP.
Thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý được sử dụng như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 144/2017/NĐ-CP thì thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý được sử dụng như sau:
- Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, cộng tác viên phải mang theo thẻ cộng tác viên và xuất trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.
- Cộng tác viên có trách nhiệm bảo quản thẻ cộng tác viên. Nghiêm cấm việc dùng thẻ cộng tác viên vào mục đích tư lợi hoặc vào việc riêng. Cộng tác viên không được dùng thẻ cộng tác viên thay giấy giới thiệu, giấy chứng minh nhân dân hoặc các loại giấy tờ tùy thân khác; không được cho người khác mượn thẻ cộng tác viên; khi mất thẻ cộng tác viên thì phải thông báo bằng văn bản ngay cho Giám đốc Trung tâm nơi ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Cộng tác viên vi phạm các quy định về việc sử dụng thẻ cộng tác viên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị thu hồi thẻ, bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sụ theo quy định của pháp luật.
Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý?
Tại Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 có quy định:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý
1. Nghiêm cấm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:
a) Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;
b) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;
c) Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác;
d) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Luật này và quy định của pháp luật về tố tụng;
đ) Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội;
e) Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.
2. Nghiêm cấm người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:
a) Xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
b) Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý;
c) Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Như vậy, những hành vi theo quy định trên là những hành vi bị cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Những hành vi bị nghiêm cấm được chia thành 02 nhóm:
Nhóm 1: Hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Nhóm 2: Hành vi bị nghiêm cấm đối với người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm kỳ bao lâu? Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo biểu quyết bằng hình thức nào?
- Xúi giục, đe dọa người khác phá thai bị xử lý như thế nào? Pháp luật có cấm phá thai hay không?
- Năm cá nhân số 3 năm 2025 có ý nghĩa gì? Cách tính năm cá nhân 2025 theo thần số học chi tiết?
- Xe khách chở quá số lượng người vào dịp Tết Âm lịch từ năm 2025 sẽ bị xử phạt bao nhiêu? Có bị trừ điểm giấy phép lái xe?
- Bài phát biểu chúc Tết của Bí thư Đảng ủy? Tham khảo mẫu bài phát biểu chúc Tết của Bí thư Đảng ủy?