Đổi địa điểm sản xuất phân bón có cần chuẩn bị hồ sơ cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hay không?
- Khi nào cần cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón? Đổi nơi sản xuất phân bón thì có cần làm hồ sơ cấp lại Giấy phép không?
- Hồ sơ cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón khi thay đổi nơi sản xuất gồm những gì?
- Thủ tục cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón khi thay đổi nơi sản xuất ra sao?
- Thời gian cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón khi thay đổi nơi sản xuất là bao lâu?
Khi nào cần cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón? Đổi nơi sản xuất phân bón thì có cần làm hồ sơ cấp lại Giấy phép không?
Căn cứ theo nội dung tại điểm c khoản 2 tiểu mục I Mục A Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV năm 2023.
Các trường hợp cần cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón (Giấy phép sản xuất phân bón) bao gồm:
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón hết hạn;
- Giấy chứng nhận bị mất, hư hỏng;
- Thay đổi về địa điểm sản xuất phân bón;
- Thay đổi về loại phân bón, dạng phân bón, công suất sản xuất trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.
Như vậy, hiện có 04 trường hợp cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón như trên.
Khi đổi nơi sản xuất phân bón thì tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón cần thực hiện thủ tục cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón.
Đổi địa điểm sản xuất phân bón có cần chuẩn bị hồ sơ cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hay không? (Hình từ Internet)
Hồ sơ cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón khi thay đổi nơi sản xuất gồm những gì?
Theo Điều 16 Nghị định 84/2019/NĐ-CP, điểm c khoản 2 tiểu mục I Mục A Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV năm 2023, hồ sơ cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón khi thay đổi nơi sản xuất bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 130/2022/NĐ-CP (Tại đây);
- Bản thuyết minh về điều kiện sản xuất phân bón theo Mẫu số 09 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 84/2019/NĐ-CP (Tại đây);
- Bản chụp bằng tốt nghiệp đại học trở lên của người trực tiếp điều hành sản xuất quy định tại điểm e khoản 2 Điều 41 Luật Trồng trọt 2018;
- Bản chính Giấy chứng nhận đã được cấp.
Thủ tục cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón khi thay đổi nơi sản xuất ra sao?
Thủ tục cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón khi thay đổi nơi sản xuất được quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 84/2019/NĐ-CP, điểm a khoản 2 tiểu mục I Mục A Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV năm 2023.
Cụ thể như sau:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đến Cục Bảo vệ thực vật.
- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính: Các thành phần hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu;
- Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường mạng: Các thành phần hồ sơ phải được scan, chụp từ bản chính.
Bước 2: Trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ:
- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ;
- Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng: Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, Cục Bảo vệ thực vật xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Cục Bảo vệ thực vật trả lại hồ sơ và thông báo cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung.
Bước 3: Thẩm định và cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Bảo vệ thực vật thẩm định nội dung hồ sơ:
- Nếu hồ sơ đạt yêu cầu thực hiện kiểm tra thực tế điều kiện sản xuất phân bón, việc thực hiện nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 50 Luật Trồng trọt 2018 và lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 12 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 84/2019/NĐ-CP (Tại đây).
- Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón không đáp ứng điều kiện, phải thực hiện khắc phục, sau khi khắc phục có văn bản thông báo đến Cục Bảo vệ thực vật để tổ chức kiểm tra nội dung đã khắc phục.
- Trường hợp kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;
- Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Kết quả:
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;
- Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận là 05 năm.
Phí, lệ phí:
- Phí thẩm định cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón (trừ cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón): 2.500.000 đồng/01 cơ sở/lần;
- Phí thẩm định cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, đối với cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón: 1.200.000 đồng/01 cơ sở/lần.
Thời gian cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón khi thay đổi nơi sản xuất là bao lâu?
Căn cứ điểm d khoản 2 tiểu mục I Mục A Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV năm 2023, thời gian cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón khi thay đổi nơi sản xuất được quy định như sau:
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, không tính thời gian khắc phục nếu có của tổ chức, cá nhân, thời hạn giải quyết cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón do thay đổi địa điểm sản xuất phân bón là 25 ngày làm việc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sản phẩm phái sinh là gì? Kinh doanh ngoại hối và sản phẩm phái sinh của ngân hàng thương mại như thế nào?
- Tháng 12 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Xem lịch âm tháng 12/2024 chi tiết, đầy đủ nhất?
- Thiệp chúc mừng năm mới khách hàng đối tác 2025 Ất Tỵ? Thiệp chúc mừng năm mới 2025 khách hàng, đối tác?
- Năm 2025, xe khách không thực hiện đúng về giá cước, giá dịch vụ niêm yết bị phạt bao nhiêu tiền?
- 'Tam giác vàng' là gì? Buôn bán thuốc phiện tại Việt Nam thì hình phạt nặng nhất là gì? Nhẹ nhất là gì?