Doanh nghiệp nào không cần lập Báo cáo tài chính 2023? Không phát sinh doanh thu có phải nộp Báo cáo tài chính?
03 trường hợp Doanh nghiệp không cần lập Báo cáo tài chính?
Căn cứ tại Luật Kế toán năm 2015, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Thông tư 200/2014/TT-BTC, Thông tư 132/2018/TT-BTC doanh nghiệp thuộc các trường hợp dưới đây không phải lập báo cáo tài chính:
Trường hợp 1: Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.
Căn cứ khoản 1 Điều 18 Thông tư 132/2018/TT-BTC quy định như sau:
Báo cáo tài chính
1. Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế.
Theo đó, Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp được phép gộp kỳ kế toán.
Căn cứ tại khoản 4 Điều 12 Luật Kế toán 2015 quy định như sau:
Kỳ kế toán
...
4. Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian ngắn hơn 90 ngày thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải ngắn hơn 15 tháng.
Theo đó, doanh nghiệp được phép gộp Báo cáo tài chính trong trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc cuối cùng có thời gian ngắn hơn 90 ngày thì được cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo/năm trước đó để thành 01 kỳ kế toán. Kỳ kế toán sau khi gộp phải ngắn hơn 15 tháng.
Đồng thời, căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định như sau:
Phương pháp tính thuế
...
3. Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo (đối với doanh nghiệp mới thành lập) hoặc kỳ tính thuế năm trước đó (đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản) để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm đầu tiên hoặc kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm cuối cùng không vượt quá 15 tháng.
Như vậy, nếu doanh nghiệp thuộc trường hợp được gộp kỳ kế toán thì không cần nộp Báo cáo tài chính của năm đầu tiên (đối với doanh nghiệp mới thành lập)/năm trước đó (đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản).
Trường hợp 3: Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh
...
2. Trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:
a) Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
Theo đó, hồ sơ khai quyết toán thuế khi kết thúc năm có bao gồm báo cáo tài chính năm nên nếu doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh trọn năm dương lịch thì không phải thực hiện nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm.
Doanh nghiệp nào không cần lập Báo cáo tài chính 2023? Không phát sinh doanh thu có phải nộp Báo cáo tài chính? (Hình từ internet)
Không phát sinh doanh thu có phải nộp Báo cáo tài chính không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Kế toán năm 2015 có nội dung như sau:
Báo cáo tài chính (BCTC) là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Đồng thời, nguyên tắc kế toán tại khoản 4 Điều 6 Luật Kế toán năm 2015 cũng nêu rõ, Báo cáo tài chính phải được lập và gửi cơ quan có thẩm quyền đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Bên cạnh đó, tại Điều 99 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành, các thành phần kinh tế.
Như vậy, báo cáo tài chính áp dụng với tất cả loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
Doanh nghiệp có nghĩa vụ lập và nộp Báo cáo tài chính kể cả không phát sinh doanh thu, chi phí (trừ những trường hợp không phải lập và nộp báo cáo tài chính).
Doanh nghiệp phải nộp báo cáo tài chính cho những cơ quan nào?
Căn cứ Điều 110 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về nơi nhận Báo cáo tài chính như sau:
- Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập và nộp Báo cáo tài chính cho Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với doanh nghiệp Nhà nước Trung ương còn phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp).
+ Đối với các loại doanh nghiệp Nhà nước như: Ngân hàng thương mại, công ty xổ số kiến thiết, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty kinh doanh chứng khoán phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính ngân hàng hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm).
+ Các công ty kinh doanh chứng khoán và công ty đại chúng phải nộp Báo cáo tài chính cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán.
- Các doanh nghiệp phải gửi Báo cáo tài chính cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý thuế tại địa phương. Đối với các Tổng công ty Nhà nước còn phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế).
- Doanh nghiệp có đơn vị kế toán cấp trên phải nộp Báo cáo tài chính cho đơn vị kế toán cấp trên theo quy định của đơn vị kế toán cấp trên.
- Đối với các doanh nghiệp mà pháp luật quy định phải kiểm toán Báo cáo tài chính thì phải kiểm toán trước khi nộp Báo cáo tài chính theo quy định. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán phải đính kèm báo cáo kiểm toán vào Báo cáo tài chính khi nộp cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cấp trên.
- Cơ quan tài chính mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải nộp Báo cáo tài chính là Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở kinh doanh chính.
- Đối với các doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, ngoài các cơ quan nơi doanh nghiệp phải nộp Báo cáo tài chính theo quy định trên, doanh nghiệp còn phải nộp Báo cáo tài chính cho các cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện quyền của chủ sở hữu theo Nghị định 99/2012/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
- Các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao còn phải nộp Báo cáo tài chính năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu.
Lưu ý: Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định này để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy mới nhất? Hướng dẫn viết bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy chi tiết?
- Có thể xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu?
- Phê bình người có hành vi bạo lực gia đình có phải là một biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
- Mẫu biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng? Cách viết mẫu biên bản hội đồng thi đua khen thưởng?
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?