Danh sách lấy phiếu tín nhiệm 44 chức vụ lãnh đạo do Quốc hội thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 Khóa XV?
Danh sách 44 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 Khóa XV?
Chiều ngày 24/10/2023 tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 Khóa XV, với tỉ lệ 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội nhất trí thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tổng số người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là 50 vị trí, hiện nay có 49 người đang giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, bổ nhiệm đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm (tức năm 2023).
Do đó, có 5 người được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, gồm các trường hợp sau:
- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng,
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà,
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang,
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Đặng Quốc Khánh
- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV gồm 44 người. Cụ thể, các chức danh Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm gồm:
1. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân 2. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 3. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn 4. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 5. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải 6. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương 7. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh 8. Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình 9. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường 10. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà 11. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm 12. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy 13. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga 14. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh 15. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh 16. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới 17. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng 18. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh 19. Thủ tướng Phạm Minh Chính 20. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái 21. Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên 22. Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung 23. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 24. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt 25. Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang 26. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan 27. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng 28. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng 29. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng 30. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan 31. Bộ trưởng Công an - Đại tướng Tô Lâm 32. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh 33. Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long 34. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị 35. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong 36. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc 37. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn 38. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn 39. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn 40. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng 41. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 42. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình 43. Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí 44. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn |
Theo chương trình kỳ họp, sáng 25/10, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả thảo luận và thành lập Ban kiểm phiếu, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu vào chiều cùng ngày, sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Nguồn: Baochinhphu.vn
Danh sách lấy phiếu tín nhiệm 44 chức vụ lãnh đạo do Quốc hội thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 Khóa XV? (Hình từ internet)
Người có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì bị miễn nhiệm ngay tại kỳ họp Quốc hội đúng không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 96/2023/QH15 có nội dung như sau:
Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm
1. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
2. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.
3. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.
Như vậy, theo quy định thì kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.
Xem thêm: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm từ 2/3 phiếu tín nhiệm thấp thì bị miễn nhiệm ngay tại kỳ họp Quốc hội.
Trình tự lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 khóa XV như thế nào?
Căn cứ tại Điều 10 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định trình tự lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 khóa XV như sau:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm;
- Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội trong trường hợp khuyết Trưởng Đoàn để trao đổi về các vấn đề có liên quan;
- Tại phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội. Phiên họp lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội tham dự;
- Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu;
- Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”;
- Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu;
- Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đạt KPI được thưởng Tết bao nhiêu? Cách tính KPI cho nhân viên? Tiền thưởng đạt KPI có đóng thuế TNCN?
- Phát biểu cảm nghĩ của Đảng viên mới kết nạp hay ý nghĩa? Bài phát biểu của Đảng viên mới kết nạp ngắn gọn thế nào?
- Nhà ở hết thời hạn sử dụng nhưng có nhu cầu sử dụng tiếp thì làm thế nào? Ai xác định thời hạn sử dụng của nhà ở?
- Dự toán mua sắm có phải thẩm định không? Phạm vi áp dụng dự toán mua sắm theo quy định Luật Đấu thầu?
- Mẫu Kết luận kiểm tra đảng viên chấp hành của Chi bộ? Tải về mẫu kết luận kiểm tra đảng viên của chi bộ mới nhất?