Công tác tại vùng đặc biệt khó khăn có được nghỉ hưu trước tuổi? Khi nghỉ hưu trước tuổi có được hưởng lương hưu?
Công tác tại vùng đặc biệt khó khăn có được nghỉ hưu trước tuổi?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ thì tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường trong năm 2023 là 56 tuổi và đối với nam là 60 tuổi 9 tháng.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Tuổi nghỉ hưu
...
3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
...
Quy định trên được hướng dẫn tại Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP như sau:
Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường
Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
1. Người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Điều 4 của Nghị định này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:
a) Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
b) Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
c) Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
d) Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc quy định tại điểm a và thời gian làm việc ở vùng quy định tại điểm b khoản này từ đủ 15 năm trở lên.
Như vậy, khi công tác tại vùng đặc biệt khó khăn thì người lao động có thể được được nghỉ hưu trước tuổi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
+ Trường hợp làm việc ở cả nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì tổng thời gian từ đủ 15 năm trở lên.
Thời điểm nghỉ hưu được xác định theo khoản 2 Điều 5 và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
Theo đó, người lao động công tác tại vùng đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu trước 5 tuổi so với quy định.
Công tác vùng khó khăn có được về hưu sớm? (Hình ảnh từ Internet)
Công tác tại vùng khó khăn khi nghỉ hưu trước tuổi có được hưởng lương hưu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động công tác tại vùng khó khăn khi nghỉ hưu sớm có thể được hưởng lương hưu tùy vào các trường hợp sau:
(1) Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thỏa các điều kiện sau:
+ Đủ tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động.
+ Có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
+ Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
(2) Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thỏa các điều kiện sau:
+ Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
+ Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động.
+ Có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;
Mức hưởng lương hưu hằng tháng đối với người công tác tại vùng đặc biệt khó khăn khi nghỉ hưu trước tuổi là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định mức hưởng lương hưu hằng tháng đối với người công tác tại vùng đặc biệt khó khăn khi nghỉ hưu trước tuổi như sau:
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
(1) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
(2) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại (1) và (2) được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thiết kế xây dựng gồm những gì? Thiết kế xây dựng công trình được thực hiện theo mấy bước theo quy định?
- Mẫu biên bản nghiệm thu quyết toán công trình xây dựng mới nhất là mẫu nào? Tải về mẫu biên bản nghiệm thu?
- Cơ quan nhà nước có thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử đối với hoạt động công tác quản trị nội bộ không?
- Dự toán mua sắm có phải là dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi nguồn tài chính hợp pháp của cơ quan nhà nước?
- Sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình gồm những sự cố nào theo quy định?