Có phải chứng minh người chết để lại tài sản khi khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại hay không?
Có phải chứng minh người chết để lại tài sản khi khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại hay không?
Căn cứ tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự như sau:
Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự
1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.
2. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.
...
Cụ thể, tại Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ chứng minh của đương sự như sau:
Nghĩa vụ chứng minh
1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
b) Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án.
Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động;
c) Các trường hợp pháp luật có quy định khác về nghĩa vụ chứng minh.
2. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.
Theo đó, việc cung cấp chứng cứ và chứng minh khi tham gia tố tụng dân sự là quyền và nghĩa vụ của đương sự, nhất là khi đương sự yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì đương sự phải có nghĩa vụ thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ một số trường hợp nhất định.
Bên cạnh đó, tại Công văn 1083/VKSTC-V9 năm 2024 giải đáp vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự hướng dẫn như sau:
Đối với yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại quy định tại Điều 615 BLDS, người khởi kiện có phải chứng minh người chết có để lại tài sản hay không? (VKS Sơn La)
Trả lời:
Trường hợp này, căn cứ Điều 6, Điều 91 BLTTDS thì người khởi kiện phải chứng minh người chết có để lại tài sản.
Trường hợp người khởi kiện không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh di sản của người chết thì yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ theo khoản 7 Điều 70 BLTTDS.
Như vậy, khi khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thì đương sự là người khởi kiện phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh người chết có để lại tài sản để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.
Trường hợp người khởi kiện không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh di sản của người chết thì yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ.
Có phải chứng minh người chết để lại tài sản khi khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại hay không?
Căn cứ yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong vụ án dân sự là gì?
Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về xác minh, thu thập chứng cứ như sau:
Xác minh, thu thập chứng cứ
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ bằng những biện pháp sau đây:
a) Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử;
b) Thu thập vật chứng;
c) Xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng;
d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý;
đ) Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng;
e) Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ;
…
Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ như sau:
Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ
...
2. Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn.
Đương sự yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; tài liệu, chứng cứ cần thu thập; lý do mình không tự thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần thu thập.
3. Trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
...
Theo đó, đương sự trong vụ án dân sự có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ khi người đó không thể tự mình thu thập chứng cứ mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết. Trong trường hợp không có yêu cầu của đương sự thì Tòa án cũng có thể tự mình thu thập chứng cứ nếu thấy cần thiết.
Như vậy, khi bạn đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể tự mình thu thập được chứng cứ thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ.
Nguồn của chứng cứ trong vụ việc dân sự gồm những gì?
Căn cứ Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
- Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
- Vật chứng.
- Lời khai của đương sự.
- Lời khai của người làm chứng.
- Kết luận giám định.
- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
- Văn bản công chứng, chứng thực.
- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?