Ai được xem là người bị buộc tội? Người bị buộc tội thì có đương nhiên bị xem là tội phạm hay không?
Ai được xem là người bị buộc tội?
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định:
Giải thích từ ngữ
1. Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
đ. Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Theo đó, người bị buộc tội gồm:
(1) Người bị bắt trong các trường hợp bắt người theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ (khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
(2) Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ (khoản 1 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
(3) Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. (khoản 1 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
(4) Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. (khoản 1 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Ai được xem là người bị buộc tội? Người bị buộc tội thì có đương nhiên bị xem là tội phạm hay không? (Hình từ Internet)
Người bị buộc tội thì có bị xem là tội phạm hay không?
Căn cứ Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:
Suy đoán vô tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Theo đó, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, người bị buộc tội không đương nhiên được xem là tội phạm.
Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về ai? Người bị buộc tội có phải chứng minh vô tội hay không?
Căn cứ Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:
Xác định sự thật của vụ án
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Theo đó, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Cụ thể thì căn cứ khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về:
(1) Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự:
- Cơ quan điều tra;
- Viện kiểm sát;
- Tòa án.
(2) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự bao gồm các cơ quan sau:
- Các cơ quan của Bộ đội biên phòng;
- Các cơ quan của Hải quan;
- Các cơ quan của Kiểm lâm;
- Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển;
- Các cơ quan của Kiểm ngư;
- Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Còn đối với người bị buộc tội, pháp luật tố tụng hình sự quy định rõ Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Tóm lại, người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội.
Khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi thì cần lưu ý xác định những vấn đề gì?
Căn cứ Điều 416 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:
Những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi
1. Tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi.
2. Ðiều kiện sinh sống và giáo dục.
3. Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục.
4. Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội.
Theo đó, khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi thì cần xác định những vấn đề sau:
- Tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi.
- Ðiều kiện sinh sống và giáo dục.
- Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục.
- Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản mới nhất theo quy định hiện nay?
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?
- Đáp án cuộc thi Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 tuần 1 trên trang Báo cáo viên ra sao?
- Nghị quyết 1278 sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 thế nào?
- Mẫu biên bản thẩm định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke (dịch vụ vũ trường) mới nhất hiện nay?