04 nhóm lĩnh vực nào sẽ được Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV? Dự kiến thời hạn thông qua 09 Luật tại Kỳ họp thứ 6?
04 nhóm lĩnh vực nào sẽ được Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV?
Chiều tối 30/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc rà soát công tác chuẩn bị chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc dành cho hoạt động chất vấn, từ ngày 06/11 đến hết sáng ngày 08/11. Theo quy định của pháp luật, tại kỳ họp này (kỳ họp giữa nhiệm kỳ), việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các kỳ họp thông thường mà sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành liên quan đến việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 sẽ chất vấn tổng thể chung nhưng để tạo thuận lợi và tiện theo dõi, phiên chất vấn sẽ tiến hành theo nhóm 04 lĩnh vực gồm:
(1) Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng nhà nước…);
(2) Nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, xây dựng…);
(3) Nhóm lĩnh vực văn hoá - xã hội;
(4) Nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán nhà nước.
Thời gian dành cho mỗi nhóm lĩnh vực chất vấn sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
04 nhóm lĩnh vực nào sẽ được Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV? Dự kiến thời hạn thông qua 09 Luật tại Kỳ họp thứ 6? (Hình từ internet)
Dự kiến thời hạn thông qua 09 Luật tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là khi nào?
Căn cứ tại Nghị quyết 50/2022/QH15 và Nghị quyết 89/2023/QH15 và khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33/2023/UBTVQH15 và theo thông tin mới nhất từ Cổng TTĐT Quốc hội, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét, dự kiến 09 dự án luật bao gồm:
- Luật Đất đai (sửa đổi);
- Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi);
- Luật Nhà ở (sửa đổi);
- Luật Tài nguyên nước (sửa đổi);
- Luật Viễn thông (sửa đổi);
- Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự;
- Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
- Luật Căn cước công dân (sửa đổi);
- Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Căn cứ theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại đây thì dự kiến thời hạn Quốc hội biểu quyết thông qua 09 dự án luật gồm có như sau:
STT | Dự án Luật | Ngày biểu quyết thông qua Luật |
1 | Luật Căn cước công dân (sửa đổi) | Sáng thứ 6, ngày 24/11/2023 |
2 | Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự | Sáng thứ 6, ngày 24/11/2023 |
3 | Luật Viễn thông (sửa đổi) | Chiều thứ 6, ngày 24/11/2023 |
4 | Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở | Sáng thứ 2, ngày 27/11/2023 |
5 | Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) | Chiều thứ 2, ngày 27/11/2023 |
6 | Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) | Chiều thứ 2, ngày 27/11/2023 |
7 | Luật Nhà ở (sửa đổi) | Sáng thứ 3, ngày 28/11/2023 |
8 | Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) | Sáng thứ 4, ngày 29/11/2023 |
9 | Luật Đất đai (sửa đổi) | Chiều thứ 4, ngày 29/11/2023 |
Quy định về biểu quyết tại phiên họp toàn thể của Quốc hội như thế nào?
Căn cứ tại Điều 20 Nội quy Kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 quy định về biểu quyết tại phiên họp toàn thể của Quốc hội như sau:
- Dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau cần biểu quyết trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo luật, dự thảo nghị quyết phải được gửi đến đại biểu Quốc hội nghiên cứu chậm nhất là 24 giờ trước phiên biểu quyết thông qua.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần trình Quốc hội biểu quyết trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo luật, dự thảo nghị quyết theo đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra.
- Quốc hội quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết sau đây:
+ Biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử;
+ Biểu quyết bằng bỏ phiếu kín;
+ Biểu quyết bằng giơ tay.
Hình thức biểu quyết do Quốc hội quyết định được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội.
- Trình tự biểu quyết tại phiên họp toàn thể được tiến hành như sau:
+ Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp nêu rõ vấn đề Quốc hội cần biểu quyết;
+ Quốc hội biểu quyết;
+ Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp báo cáo kết quả biểu quyết trong trường hợp biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử và biểu quyết bằng giơ tay. Trưởng Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả biểu quyết trong trường hợp biểu quyết bằng bỏ phiếu kín.
- Việc tiến hành biểu quyết được thực hiện theo nguyên tắc trực tiếp, đại biểu Quốc hội không biểu quyết thay đại biểu Quốc hội khác. Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết.
- Luật, nghị quyết và các quyết định khác của Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành;trường hợp làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, thông qua Hiến pháp, quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.Trường hợp Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác về tỷ lệ đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì áp dụng quy định của văn bản đó.
- Trường hợp cần biểu quyết lại một vấn đề đã được Quốc hội biểu quyết thông qua nhưng chưa có hiệu lực thi hành thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo, báo cáo, cơ quan chủ trì thẩm tra trình Quốc hội xem xét, quyết định việc biểu quyết lại theo trình tự như sau:
+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội việc biểu quyết lại;
+ Quốc hội xem xét, thông qua việc biểu quyết lại.
- Trình tự Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề đã được Quốc hội quyết định biểu quyết lại như sau:
+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội vấn đề cần biểu quyết lại;
+ Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua vấn đề cần biểu quyết lại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm là gì? Tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm được xác định thế nào?
- Nghị định 177/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng ra sao?
- Sau ngày 1 1 2025 mới cập nhật sinh trắc học được không? Hướng dẫn xác thực sinh trắc học 1 1 2025?
- Nghị định 163/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông như thế nào?
- Nghị định 172 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản từ ngày 1/1/2025 như thế nào?