Điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí được quy định như thế nào? Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo điện tử được thực hiện như thế nào?
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 17 Luật Báo chí 2016, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 20 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí như sau:
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí
1. Xác định loại hình báo chí; tôn chỉ, Mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; đối tượng phục vụ; chương trình, thời gian, thời lượng, phương thức truyền dẫn, phát sóng (đối với báo nói, báo hình); tên miền, nơi đặt máy chủ và đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối (đối với báo điện tử).
2. Có phương án về tổ chức và nhân sự bảo đảm hoạt động của cơ quan báo chí; có người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 của Luật này để đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí.
3. Có tên và hình thức trình bày tên cơ quan báo chí; tên và hình thức trình bày tên ấn phẩm báo chí; tên và biểu tượng kênh phát thanh, kênh truyền hình; tên và hình thức trình bày tên chuyên trang của báo điện tử.
4. Có trụ sở và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; phương án tài chính; có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đối với báo điện tử phải có ít nhất một tên miền “.vn” đã đăng ký phù hợp với tên báo chí và sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam; đối với báo nói, báo hình phải có phương án, kế hoạch thuê hoặc sử dụng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng.
5. Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Như vậy, cơ quan, tổ chức muốn được cấp giấy phép hoạt động báo chí phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 17 nêu trên.
Trong đó có điều kiện có tên và hình thức trình bày tên cơ quan báo chí; tên và hình thức trình bày tên ấn phẩm báo chí; tên và biểu tượng kênh phát thanh, kênh truyền hình; tên và hình thức trình bày tên chuyên trang của báo điện tử.
Hoạt động báo chí (Hình từ Internet)
Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo điện tử được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 41/2020/TT-BTTTT quy định về tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ như sau:
Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, cơ quan cấp giấy phép kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép có văn bản thông báo cho cơ quan, tổ chức nộp hồ sơ về việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
2. Thời gian xem xét việc cấp giấy phép được tính kể từ ngày cơ quan cấp giấy phép nhận đủ hồ sơ hợp lệ của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
Căn cứ Điều 10 Thông tư 41/2020/TT-BTTTT quy định về hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo điện tử như sau:
Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo điện tử
1. Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Thông tin và Truyền thông. Hồ sơ gồm có:
a) Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử (Mẫu số 06);
b) Đề án hoạt động báo điện tử (có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép) và các tài liệu kèm theo, gồm các nội dung sau: Sự cần thiết và cơ sở pháp lý; trình bày việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 17 Luật Báo chí; kết cấu và nội dung chính các chuyên trang, chuyên mục của báo điện tử, các chuyên mục của chuyên trang; tên miền phù hợp với tên báo điện tử; việc sở hữu tên miền còn thời gian sử dụng tối thiểu 06 tháng tính từ thời điểm đề nghị cấp giấy phép; quy trình xuất bản và quản lý nội dung;
c) Danh sách dự kiến nhân sự của báo điện tử (Mẫu số 03);
d) Sơ yếu lý lịch người dự kiến là Tổng biên tập (Mẫu số 04);
đ) Mẫu trình bày giao diện trang chủ của báo điện tử phải hiển thị các thông tin theo quy định tại Điều 46 Luật Báo chí, có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
Mẫu trình bày giao diện trang chủ của chuyên trang có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép. Trang chủ của chuyên trang phải hiển thị các thông tin theo quy định tại Điều 46 Luật Báo chí, trong đó: Tên gọi chuyên trang thể hiện rõ cụm từ “chuyên trang” có cỡ chữ tối thiểu bằng 1/2 cỡ chữ của tên chuyên trang và tên gọi báo điện tử có cỡ chữ tối thiểu bằng 1/2 cỡ chữ của tên chuyên trang.
2. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo điện tử (Mẫu số 17); trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Theo quy định trên thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, cơ quan cấp giấy phép kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép có văn bản thông báo cho cơ quan, tổ chức nộp hồ sơ về việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Và trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo điện tử. Trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do
Việc thay đổi nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo điện tử, tạp chí điện tử được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 12 Thông tư 41/2020/TT-BTTTT quy định về thay đổi nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo điện tử, tạp chí điện tử như sau:
Thay đổi nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo điện tử, tạp chí điện tử
1. Cơ quan báo chí thay đổi nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo điện tử, tạp chí điện tử theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Báo chí phải gửi văn bản thông báo đến Cục Báo chí và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được giao quyền (đối với cơ quan báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày có sự thay đổi.
2. Khi thay đổi các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Báo chí, cơ quan chủ quản báo chí phải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung giấy phép. Hồ sơ gồm có:
a) Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản báo chí; trong đó, thể hiện tên miền phù hợp với tên báo điện tử, tạp chí điện tử và việc sở hữu tên miền còn thời gian sử dụng tối thiểu 06 tháng tính từ thời điểm đề nghị (đối với trường hợp thay đổi tên miền);
b) Báo cáo đánh giá việc thực hiện tôn chỉ, mục đích theo giấy phép của cơ quan báo chí (đối với trường hợp thay đổi tôn chỉ, mục đích);
c) Mẫu trình bày tên gọi cơ quan báo chí có xác nhận của cơ quan chủ quản báo chí (đối với trường hợp thay đổi tên gọi cơ quan báo chí); đáp ứng điều kiện quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 của Thông tư này (đối với tạp chí điện tử);
d) Mẫu trình bày tên gọi chuyên trang của báo điện tử, tạp chí điện tử có xác nhận của cơ quan chủ quản báo chí (đối với trường hợp thay đổi tên gọi chuyên trang của báo điện tử, tạp chí điện tử); đáp ứng điều kiện quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 10 của Thông, tư này đối với chuyên trang của báo điện tử và quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 của Thông tư này đối với chuyên trang của tạp chí điện tử;
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xem xét giải quyết việc cấp giấy phép (Mẫu số 19); trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Khi thay đổi các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Báo chí, cơ quan chủ quản báo chí gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận việc thay đổi. Hồ sơ gồm có:
a) Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản báo chí;
b) Mẫu trình bày tên gọi cơ quan báo chí, tên gọi chuyên trang dự kiến thay đổi có xác nhận của cơ quan chủ quản báo chí (đối với trường hợp thay đổi hình thức trình bày, vị trí tên gọi cơ quan báo chí, tên gọi chuyên trang);
c) Mẫu trình bày giao diện trang chủ của báo điện tử, tạp chí điện tử, chuyên trang dự kiến thay đổi có xác nhận của cơ quan chủ quản báo chí (đối với trường hợp thay đổi giao diện trang chủ của báo điện tử, tạp chí điện tử, chuyên trang).
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông; có trách nhiệm xem xét giải quyết việc chấp thuận bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, việc thay đổi nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo điện tử, tạp chí điện tử được thực hiện theo quy định tại Điều 12 nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công dân có được giám sát các dự án đầu tư thông qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hay không?
- Thiết kế xây dựng gồm những gì? Thiết kế xây dựng công trình được thực hiện theo mấy bước theo quy định?
- Mẫu biên bản nghiệm thu quyết toán công trình xây dựng mới nhất là mẫu nào? Tải về mẫu biên bản nghiệm thu?
- Cơ quan nhà nước có thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử đối với hoạt động công tác quản trị nội bộ không?
- Dự toán mua sắm có phải là dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi nguồn tài chính hợp pháp của cơ quan nhà nước?