Dịch vụ đáo hạn ngân hàng là gì? Dịch vụ đáo hạn ngân hàng thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trên cơ sở nào?
Dịch vụ đáo hạn ngân hàng là gì?
Hiện nay, pháp luật vẫn chưa có những quy định nào cụ thể về các định nghĩa xung quanh dịch vụ đáo hạn ngân hàng.
Tuy nhiên, có hiểu đơn giản về dịch vụ đáo hạn ngân hàng thông qua một số những khái niệm sau:
Đáo hạn ngân hàng là ngôn ngữ chung dùng để chỉ ngày đến hạn, sắp hết thời hạn theo hợp đồng, thanh toán hợp đồng hay trả nợ khi vay vốn ngân hàng.
Ngày đáo hạn là ngày cuối cùng bạn phải trả hoàn tất số tiền đã vay.
Ngày đáo hạn sẽ được quy định theo hợp đồng mà khách hàng ký kết với ngân hàng.
Từ đó, dịch vụ đáo hạn ngân hàng được hiểu là dịch vụ gia hạn hay tất toán thêm thời gian vay hoặc gửi của khách hàng đối với ngân hàng.
Thực tế, dịch vụ đáo hạn ngân hàng không chỉ gia hạn khoản vay mà còn giúp người vay không bị liệt kê vào nợ xấu (*) của ngân hàng.
(*) Căn cứ tại khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN thì nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.
Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạng phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Ngoài ra, thông tin về nợ xấu là một trong những thông tin tiêu cực về khách hàng vay.
Ví dụ về dịch vụ đáo hạn ngân hàng:
Bạn vay ngân hàng A 01 tỷ trong kỳ hạn vay là 01 năm với lãi suất 7% vào ngày 05/02/2023, đến ngày 05/02/2024 sẽ là ngày kết thúc hợp đồng khoản vay.
Tuy nhiên khi đến ngày kết thúc hợp đồng mà bạn không có khả năng chi trả số tiền đã vay thì bạn có thể thực hiện dịch vụ đáo hạn ngân hàng để có khoản vay mới và có thêm thời gian để bạn trả nợ cho khoản mà bạn đã vay.
Tuy nhiên cần lưu ý về vấn đề sau khi thực hiện dịch vụ đáo hạn ngân hàng, theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN thì:
Trong trường nhu cầu vay vốn để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, (trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật) thì tổ chức tín dụng sẽ không được cho vay.
Như vậy, ngân hàng sẽ không được cho khách hàng thực hiện đáo hạn bằng việc vay vốn với mục đích để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay.
Tuy nhiên, trên thực tế ngân hàng có thể cho khách hàng đáo hạn thông qua hình thức cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Dịch vụ đáo hạn ngân hàng thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trên cơ sở nào?
Theo quy định tại Điều 19 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ như sau:
Theo đó, tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau:
Đối với khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi.
Đối với khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
Hay nói cách khác, dịch vụ đáo hạn ngân hàng thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được được thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.
Lưu ý: việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.
Dịch vụ đáo hạn ngân hàng thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được được thực hiện trên cơ sở nào? (Hình từ Internet)
Tổ chức tín dụng phải cung cấp cho khách hàng các thông tin gì trước khi xác lập thỏa thuận cho vay?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin sau trước khi xác lập thỏa thuận cho vay, cụ thể:
- Lãi suất cho vay;
- Nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh;
- Lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn;
- Lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả;
- Phương pháp tính lãi tiền vay;
- Loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay;
- Các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cách điền phiếu biểu quyết thi hành kỷ luật/ đề nghị thi hành kỷ luật đối với Đảng viên chuẩn Hướng dẫn 05?
- Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án đầu tư được thể hiện thông qua những gì? Có bao nhiêu giai đoạn đầu tư xây dựng?
- Phân chia lợi nhuận từ tài sản chung không chia sau khi ly hôn như thế nào? Khi thỏa thuận chia tài sản chung thì có cần xét tới yếu tố lỗi làm cho hôn nhân bị đổ vỡ không?
- Ai được gặp phạm nhân? Tải về mẫu đơn xin gặp mặt phạm nhân mới nhất hiện nay? Trách nhiệm của người gặp?
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?