Đã góp vốn vào công ty cổ phần bằng quyền sử dụng đất thì được rút về để thay bằng tiền hay không?
Đã góp vốn vào công ty cổ phần bằng quyền sử dụng đất thì được rút về để thay bằng tiền hay không?
Theo quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản góp vốn như sau:
Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Theo đó, pháp luật cho phép tổ chức/cá nhân góp vốn vào công ty cổ phần bằng quyền sử dụng đất.
Và khi tiến hành góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì cổ đông phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất này cho công ty cổ phần theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020:
Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn
1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
...
Khi cổ đông góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào công ty cổ phần thì quyền sử dụng đất này đã trở thành tài sản của công ty. Và cổ đông được sở hữu số cổ phần tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất này tại thời điểm góp vốn.
Do đó, cổ đông không thể rút quyền sử dụng đất này về để thay bằng tiền.
Trường hợp cổ đông muốn lấy lại quyền sử dụng đất thì có thể thỏa thuận với công ty về việc mua lại tài sản là quyền sử dụng đất mà mình đã góp vốn trước đó.
Công ty cổ phần (Hình từ Internet)
Góp vốn bằng quyền sử dụng đất sau đó quyền này tăng giá trị thì cổ đông được trả thêm cổ phần không?
Theo quy định khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 thì về nguyên tắc khi cổ đông góp vốn vào công ty cổ phần bằng quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất này sẽ được định giá theo thời điểm góp vốn
Định giá tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
...
Như đã phân tích ở trên, cổ đông góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào công ty cổ phần thì quyền sử dụng đất này đã trở thành tài sản của công ty.
Ngược lại, cổ đông được sở hữu cổ phần tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất này tại thời điểm góp vốn.
Nên trong trường hợp giá trị quyền sử dụng đất này tăng lên thì được hiểu là giá trị tài sản của công ty tăng lên và cổ đông cũng sẽ không được trả thêm cổ phần tương ứng với phần giá trị tăng thêm của quyền sử dụng đất trước đây đã góp.
Cổ đông yêu cầu công ty cổ phần mua lại cổ phần của mình nhưng không thỏa thuận được giá thì sao?
Theo Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông như sau:
Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông
1. Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.
2. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.
Như vậy, trường hợp cổ đông yêu cầu công ty cổ phần mua lại cổ phần của mình nhưng hai bên không thỏa thuận được giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá.
Công ty cổ phần giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cách điền phiếu biểu quyết thi hành kỷ luật/ đề nghị thi hành kỷ luật đối với Đảng viên chuẩn Hướng dẫn 05?
- Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án đầu tư được thể hiện thông qua những gì? Có bao nhiêu giai đoạn đầu tư xây dựng?
- Phân chia lợi nhuận từ tài sản chung không chia sau khi ly hôn như thế nào? Khi thỏa thuận chia tài sản chung thì có cần xét tới yếu tố lỗi làm cho hôn nhân bị đổ vỡ không?
- Ai được gặp phạm nhân? Tải về mẫu đơn xin gặp mặt phạm nhân mới nhất hiện nay? Trách nhiệm của người gặp?
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?