Công ty không cho người lao động tạm ứng tiền lương trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc thì có bị xử phạt hay không?
Công ty được tạm đình chỉ công việc của người lao động trong trường hợp nào?
Theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc tạm đình chỉ công việc như sau:
“1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.”
Như vậy, trường hợp vụ việc vi phạm kỷ luật lao động có tình tiết phức tạp và thấy rằng nếu để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh, điều tra vụ việc thì công ty có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động. Lưu ý: chỉ được tạm đình chỉ công việc của người lao động sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
Tạm đình chỉ công việc
Người lao động có được tạm ứng tiền lương trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc hay không?
Tại khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, thời gian tạm đình chỉ công việc của người lao động được quy định như sau:
“2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.”
Theo đó, trong thời gian tạm đình chỉ công việc thì người lao động có quyền tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Công ty không cho người lao động tạm ứng tiền lương trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc thì có bị xử phạt hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tiền lương như sau:
"2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu công ty không cho người lao động tạm ứng tiền lương trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền cụ thể sẽ tùy thuộc vào số người lao động mà công ty đã không trả tiền tạm ứng. Ngoài ra, theo điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì công ty còn phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quyền khác đối với tài sản là gì? Gồm những quyền nào? Quyền khác đối với tài sản có bị hạn chế, bị tước đoạt?
- Mốc giới ngăn cách các bất động sản được quy định như thế nào? Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng?
- Tải bảng tổng hợp chi phí tư vấn đầu tư xây dựng mới nhất? Công thức xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng?
- Tổng hợp cách tra cứu phạt nguội toàn quốc 2025 nhanh chóng? Cách kiểm tra phạt nguội online toàn quốc chi tiết thế nào?
- Bản tự đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh cuối kì 1 năm học 2024 2025? Viết bản tự xếp loại hạnh kiểm học sinh cuối kì 1?