Công chức, viên chức nhận hối lộ trong quản lý cư trú thì bị xử lý như thế nào? Truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử lý vi phạm hành chính?
- Công chức, viên chức nhận hối lộ trong quản lý cư trú thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
- Công chức, viên chức phạm tội nhận hối lộ với hình phạt cao nhất là tử hình thì có được ân giảm thành tù chung thân hay không?
- Công chức, viên chức nhận hối lộ trong quản lý cư trú thì xử lý vi phạm hành chính như thế nào khi chưa đến mức truy cứu TNHS?
Công chức, viên chức nhận hối lộ trong quản lý cư trú thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 (được bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì công chức, viên chức nhận hối lộ trong quản lý cư trú có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội nhận hối lộ khi thuộc trường hợp sau:
* Công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Lợi ích phi vật chất.
Ngoài ra, công chức, viên chức phạm tội nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau sẽ áp dụng hình phạt theo khung hình phạt thích đáng. Cụ thể:
(1) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Có tổ chức;
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
- Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
- Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
- Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
(3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
- Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Lưu ý: Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định trên.
Công chức, viên chức nhận hối lộ trong quản lý cư trú thì bị xử lý như thế nào? Truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử lý vi phạm hành chính? (Hình từ Internet)
Công chức, viên chức phạm tội nhận hối lộ với hình phạt cao nhất là tử hình thì có được ân giảm thành tù chung thân hay không?
Theo Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tử hình như sau:
Tử hình
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Như vậy, công chức, viên chức phạm tội nhận hối lộ với hình phạt cao nhất là tử hình nhưng sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì có thể được ân giảm và được chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
Công chức, viên chức nhận hối lộ trong quản lý cư trú thì xử lý vi phạm hành chính như thế nào khi chưa đến mức truy cứu TNHS?
Các hành vi nhận hối lộ sẽ có các quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong từng quy định chuyên ngành. Và trong lĩnh vực quản lý cư trú thì xử lý vi phạm hành chính đối với công chức, viên chức nhận hối lộ được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
...
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi;
b) Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 04 đến 08 người lưu trú;
c) Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú;
d) Đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.
...
Như vậy, công chức, viên chức có hành vi nhận hối lộ trong quản lý cư trú sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phân loại hàng hóa trong hải quan được giải thích thế nào? Quy định về việc phân loại hàng hóa?
- Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp nào? Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP ra sao?
- Trọng tài quy chế là gì? Nguyên đơn làm đơn khởi kiện có được áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế không?
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?
- Có được tự chế bình xịt hơi cay mini tự vệ vào ban đêm không? Trang bị bình xịt hơi cay bên người có bị phạt không?