Có được thỏa thuận ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể? Quy định về việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp?
Có được thỏa thuận ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể không?
Để biết có được thỏa thuận ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể không thì căn cứ quy định tại Điều 78 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Hiệu lực và thời hạn của thỏa ước lao động tập thể
1. Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.
Thỏa ước lao động tập thể sau khi có hiệu lực phải được các bên tôn trọng thực hiện.
2. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp tham gia thỏa ước lao động tập thể.
3. Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể.
Như vậy, các bên có thể thỏa thuận ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể và phải ghi trong thỏa ước về thỏa thuận này.
Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể thì ngày có hiệu lực của thỏa ước là kể từ ngày ký kết.
Và sau khi thỏa ước lao động tập thể sau khi có hiệu lực phải được các bên tôn trọng thực hiện.
Lưu ý: Việc gửi thỏa ước lao động tập thể được quy định tại Điều 77 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động tham gia thỏa ước phải gửi 01 bản thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính.
Có được thỏa thuận ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể? Quy định về việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp? (Hình từ Internet)
Việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp được quy định tại Điều 79 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
(1) Người sử dụng lao động, người lao động, bao gồm cả người lao động vào làm việc sau ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực, có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ thỏa ước lao động tập thể đang có hiệu lực.
(2) Trường hợp quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực thấp hơn quy định tương ứng của thỏa ước lao động tập thể thì phải thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể.
Quy định của người sử dụng lao động chưa phù hợp với thỏa ước lao động tập thể thì phải được sửa đổi cho phù hợp; trong thời gian chưa sửa đổi thì thực hiện theo nội dung tương ứng của thỏa ước lao động tập thể.
(3) Khi một bên cho rằng bên kia thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm thỏa ước lao động tập thể thì có quyền yêu cầu thi hành đúng thỏa ước lao động tập thể và các bên có trách nhiệm cùng xem xét giải quyết; nếu không giải quyết được, mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, người sử dụng lao động còn có những nghĩa vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 thì ngoài việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, người sử dụng lao động còn có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện hợp đồng lao động và các thỏa thuận hợp pháp; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
- Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
- Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Bên cạnh các nghĩa vụ nêu trên, người sử dụng lao động còn có các quyền sau đây:
- Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;
- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
- Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;
- Đóng cửa tạm thời nơi làm việc;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu kịch bản đại hội chi bộ không có trù bị? Tải về mẫu kịch bản đại hội chi bộ không có trù bị chi tiết?
- Vượt đèn đỏ khi cột đèn tín hiệu bị lỗi, có bị phạt nguội hay không? Tăng mức phạt vượt đèn đỏ ô tô, xe máy, xe đạp 2025?
- Mẫu phụ lục quy trình nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 25 30? Tải về Mẫu phụ lục quy trình nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 25 - 30?
- Thương lượng tập thể về tiền thưởng có được không? Biên bản thương lượng tập thể phải có nội dung gì?
- Tự ý nghỉ việc sau Tết Âm lịch mà không có lý do chính đáng có bị sa thải? Có được nghỉ bù khi ngày nghỉ Tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần?