Chủ thể nào có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tham gia giao thông bị thiệt hại do cây cối bên đường gây ra?
Ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra?
Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau:
"Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra."
Theo như trường hợp mà bạn trình bày, việc cây bên đường ngã, gây ra những thiệt hại về người và tài sản trong những mùa mưa bão thì trách nhiệm thuộc về chủ sở hữu, hoặc tổ chức được giao quản lý cây xanh trên các tuyến đường.
Bồi thường thiệt hại do cây cối bên đường gây ra
Trường hợp nào không cần phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp không phải bồi thường thiệt hại được quy định như sau:
"2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác."
Mà theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng được hiểu như sau:
"Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép."
Như vậy, nếu như xác định được sự kiện bất khả kháng ở đây là "mưa, bão" và bên chủ sở hữu chứng minh được đã dùng tất cả những biện pháp nhằm ngăn ngừa những thiệt hại không đáng có gây ra, thì trong trường hợp này có thể không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định "sự kiện bất khả kháng" còn đang gặp nhiều khó khăn và tranh cãi.
Cách xác định mức thiệt hại do cây cối gây ra
Theo như trường hợp của bạn, thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng do cây cối gây ra sẽ được hưởng các khoản bồi thường thiệt như sau:
Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:
- Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
+ Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra sẽ do chủ sở hữu, người được giao quản lý thực hiện, nếu như không thuộc trường hợp không phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mọi trường hợp CSGT dừng xe người tham gia giao thông thì đều xử lý vi phạm giao thông đúng không?
- Thời gian nghỉ không lương tối đa đối với công chức, viên chức là bao lâu? Thời gian nghỉ không lương có tính vào thời gian làm việc tính phép năm?
- Những bệnh không đủ điều kiện sức khỏe thi lái xe theo Thông tư 36/2024 áp dụng từ 2025 thế nào?
- Quân nhân khi tiếp xúc với nhân dân mà có hành vi đòi hỏi, yêu sách có thể bị tước danh hiệu quân nhân?
- Ngoài bản đồ địa giới đơn vị hành chính cấp xã, hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp xã còn có gì?