Thời gian nghỉ không lương tối đa đối với công chức, viên chức là bao lâu? Thời gian nghỉ không lương có tính vào thời gian làm việc tính phép năm?
Thời gian nghỉ không lương tối đa đối với công chức, viên chức là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Viên chức 2010 như sau:
Quyền của viên chức về nghỉ ngơi
1. Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.
...
Và, theo Điều 13 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định như sau:
Quyền của cán bộ, công chức về nghỉ ngơi
Cán bộ, công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.
Theo đó, công chức, viên chức được nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Đồng thời, theo Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo quy định trên thì người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Ngoài ra, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo hướng dẫn tại Công văn 3319/LĐTBXH-ATLĐ năm 2015 về nghỉ việc không hưởng lương và nghỉ ốm đau đối với cán bộ, công, viên chức và người lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thì hiện nay pháp luật về lao động hiện hành không quy định thời gian nghỉ không hưởng lương tối đa, chỉ quy định “người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được nghỉ không hưởng lương".
Như vậy, việc nghỉ không hưởng lương được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và sẽ do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng công chức, viên chức quyết định.
Thời gian nghỉ không lương tối đa đối với công chức, viên chức là bao lâu? Thời gian nghỉ không lương có tính vào thời gian làm việc tính phép năm? (Hình từ Internet)
Thời gian nghỉ không lương của công chức, viên chức được cơ quan chủ quản đồng ý có tính vào thời gian làm việc tính phép năm không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động như sau:
Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động
1. Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.
2. Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.
4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
...
Theo đó, trong trường hợp công chức, viên chức được cơ quan chủ quản đồng ý cho phép nghỉ không lương thì được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm nếu cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
Thời gian vượt quá không được tính vào thời gian làm việc tính phép năm.
Chế độ nghỉ phép năm của công chức, viên chức hiện nay được quy định ra sao?
Theo quy định hiện hành thì công chức, viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Và chế độ nghỉ phép năm được quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019:
Công chức, viên chức nếu làm việc đủ 12 tháng thì được nghỉ phép năm, hưởng nguyên lương như sau:
+ Điều kiện bình thường: 12 ngày làm việc.
+ Người khuyết tật, làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 14 ngày.
+ Làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 16 ngày.
Trường hợp làm chưa đủ 12 tháng được nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng đã làm việc.
Cứ 05 năm làm việc thì công chức, viên chức lại có thêm 01 ngày nghỉ hàng năm (Theo Điều 114 Bộ luật Lao động 2019).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu đăng ký tham gia kết nối trực tuyến với Hội nghị Đảng ủy Khối tổ chức? Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh có tư cách pháp nhân không?
- Tham luận công tác xây dựng Đảng ở chi bộ 2024 ngắn gọn? Bài tham luận về công tác xây dựng Đảng ở chi bộ cơ sở thế nào?
- Mẫu Bản tự kiểm điểm đảng viên dự bị là cán bộ công chức cuối năm đang sử dụng là mẫu nào? Phải viết khi nào?
- Mẫu đơn đề nghị đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của Hội mới nhất theo Nghị định 126 như thế nào?
- Y án nghĩa là gì? Y án tử hình là gì? Người bị kết án tử hình có thể được đặc xá hoặc ân giảm không?