Cha mẹ chồng mất thì con dâu có được hưởng thừa kế không? Nếu có thì trong những trường hợp nào?
Con dâu có thuộc hàng thừa kế theo pháp luật khi chia di sản của cha mẹ chồng không?
Tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hàng thừa kế như sau:
Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo quy định này thì con dâu không thuộc bất kỳ hàng thừa kế theo pháp luật nào của cha mẹ chồng.
Cha mẹ chồng mất thì con dâu có được hưởng thừa kế không? Nếu có thì trong những trường hợp nào? (hình từ internet)
Cha mẹ chồng mất thì con dâu có được hưởng thừa kế không? Nếu có thì trong những trường hợp nào?
Hiện nay, việc thừa kế sẽ được thực hiện theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.
Như đã phân tích ở trên, con dâu không thuộc đối tượng thừa kế theo pháp luật, do đó con dâu chỉ có thể được hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Trường hợp 01: Hưởng thừa kế từ bố mẹ chồng theo di chúc
Cụ thể, theo Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của người lập di chúc như sau:
Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Chiếu theo quy định này, nếu cha mẹ chồng chết có để lại di chúc và trong di chúc có đề cập về việc con dâu được hưởng thừa kế thì con dâu có thể được hưởng phần di sản do cha mẹ chồng để lại.
Tuy nhiên, để được hưởng thừa kế hợp pháp thì cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Di chúc hợp pháp theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015;
- Con dâu không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 và từ chối nhận di sản theo Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015.
Trường hợp 02: Hưởng thừa kế gián tiếp khi chồng mất
Theo như phân tích ở đầu bài viết thì trong trường hợp di sản thừa kế của cha mẹ chồng được chia theo pháp luật thì con dâu không được hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng do không thuộc hàng thừa kế theo quy định của luật.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, khi người chồng chết người vợ có thể được hưởng phần di sản từ khối di sản của cha mẹ chồng khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
- Cha mẹ chồng chết trước người chồng và có để lại thừa kế cho con trai của họ (thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật);
- Người chồng không thuộc trường hợp không được hưởng thừa kế từ cha, mẹ chồng.
- Hôn nhân giữa người vợ và người chồng là hôn nhân hợp pháp và người vợ không thuộc trường hợp không được hưởng thừa kế từ chồng.
Khi đó, người vợ sẽ có thể được hưởng phần di sản có nguồn gốc từ khối di sản của cha mẹ chồng từ người chồng theo hàng thừa kế thứ nhất (quy định về thừa kế theo pháp luật tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015) hoặc thừa kế theo di chúc.
Thời điểm người vợ được quyền yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình là bao lâu?
Thời hiệu thừa kế được quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Theo quy định trên thì người vợ được quyền yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lời chúc giáng sinh dành cho bạn bè? Lễ giáng sinh Noel có phải là ngày lễ lớn trong năm không?
- Cách điền phiếu biểu quyết thi hành kỷ luật/ đề nghị thi hành kỷ luật đối với Đảng viên chuẩn Hướng dẫn 05?
- Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án đầu tư được thể hiện thông qua những gì? Có bao nhiêu giai đoạn đầu tư xây dựng?
- Phân chia lợi nhuận từ tài sản chung không chia sau khi ly hôn như thế nào? Khi thỏa thuận chia tài sản chung thì có cần xét tới yếu tố lỗi làm cho hôn nhân bị đổ vỡ không?
- Ai được gặp phạm nhân? Tải về mẫu đơn xin gặp mặt phạm nhân mới nhất hiện nay? Trách nhiệm của người gặp?