Cây xăng nghỉ bán có là sự kiện bất khả kháng theo hợp đồng? Có bắt buộc phải soạn thảo điều khoản sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng?
Cây xăng nghỉ bán có là sự kiện bất khả kháng theo hợp đồng?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về sự kiện bất khả kháng như sau:
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
...
1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;
Theo đó, để một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng đủ 03 yếu tố sau:
- Sự kiện xảy ra một cách khách quan (không phụ thuộc vào ý chí của một bên nào);
- Sự kiện này không thể lường trước được (các bên khó có thể dự đoán chính xác thời điểm xảy ra sự kiện);
- Sự kiện không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (các bên phải chứng minh về việc này).
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc quy định khác.
Như vậy, khi gặp một sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc không thể thực hiện được nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng, bên vi phạm phải chứng minh dựa trên 3 yếu tố nêu trên để được hưởng quyền miễn trách nhiệm đối với bên kia.
Đối với trường hợp cây xăng nghỉ bán, được xem là sự kiện xảy ra một cách khách quan vì không phụ thuộc vào ý chí của bên nào trong hợp đồng. Tuy nhiên, có thể lường trước được việc xảy ra sự kiện này do trước thời điểm cây xăng nghỉ bán đã có nhiều nguồn thông tin từ báo đài mà dựa vào các nguồn thông tin này, các bên trong hợp đồng có thể lường trước được sự việc xảy ra.
Đồng thời, việc cây xăng nghỉ bán cũng có thể khắc phục được bằng nhiều biện pháp cần thiết và khả năng cho phép,
Do đó, cây xăng nghỉ bán không được xem là sự kiện bất khả kháng theo hợp đồng.
Cây xăng nghỉ bán có là sự kiện bất khả kháng theo hợp đồng? Có bắt buộc phải soạn thảo điều khoản sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng? (Hình từ Internet)
Có bắt buộc phải soạn thảo điều khoản sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015, về nội dung hợp đồng, như sau:
Nội dung của hợp đồng
1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
a) Đối tượng của hợp đồng;
b) Số lượng, chất lượng;
c) Giá, phương thức thanh toán;
d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
g) Phương thức giải quyết tranh chấp.
Theo đó, nội dung của hợp đồng là do các bên thỏa thuận, có thể có các nội dung như: Đối tượng của hợp đồng; số lượng, chất lượng; giá, phương thức thanh toán; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; phương thức giải quyết tranh chấp.
Như vậy, không bắt buộc phải soạn thảo điều khoản sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế, việc chứng minh sự kiện bất khả kháng để bên vi phạm nghĩa vụ được miễn trách nhiệm gặp nhiều khó khăn. Để hạn chế tranh chấp liên quan đến xác định sự kiện bất khả kháng, các bên nên thỏa thuận trước và soạn thảo điều khoản này trong hợp đồng.
Phụ lục hợp đồng có được chứa đựng điều khoản trái với nội dung hợp đồng?
Theo quy định tại Điều 403 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau về phụ lục hợp đồng:
Phụ lục hợp đồng
1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Theo quy định nêu trên, nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
Trong trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu các bên trong hợp đồng chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Như vậy, phụ lục hợp đồng được phép chứa đựng điều khoản trái với nội dung hợp đồng khi được các bên trong hợp đồng chấp nhận và điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?