Cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn bị xử lý kỷ luật như thế nào? Có ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức?
Cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn bị xử lý kỷ luật như thế nào?
Tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn diễn ra thường xuyên, đặc biệt vẫn có nhiều trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Đáng chú ý, có nhiều trường hợp vi phạm là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên.
Căn cứ theo Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành, mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
Pháp luật hiện hành cụ thể là Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 71/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 112/2020/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể trường hợp cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức nào, tuy nhiên, việc cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ tức là đã làm trái với nghĩa vụ của người cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân được quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Cán bộ, công chức 2008 đó là chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP) như sau:
Các hành vi bị xử lý kỷ luật
1. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ hoặc có hành vi vi phạm khác liên quan đến hoạt động công vụ bị xử lý kỷ luật về đảng, đoàn thể thì bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính.
2. Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:
a) Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
b) Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
c) Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
c) Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Theo đó, tùy thuộc vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và mức độ, tính chất của hành vi vi phạm mà cán bộ, công chức có thể bị xem xét xử lý kỷ luật theo từng hình thức phù hợp.
Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức được quy định tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, bao gồm:
(1) Áp dụng đối với cán bộ:
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Cách chức.
- Bãi nhiệm.
(2) Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Hạ bậc lương.
- Buộc thôi việc.
(3) Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Giáng chức.
- Cách chức.
- Buộc thôi việc.
Ngoài ra, có thể áp dụng theo quy định riêng của từng ngành trong việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn.
Ví dụ như theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Công an nhân dân 2018, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
>>> Xêm thêm: Mức phạt kịch khung nồng độ cồn
Cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn bị xử lý kỷ luật như thế nào? (Hình từ Internet)
Vi phạm quy định về nồng độ cồn có ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 90/2020/NĐ-CP về tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức như sau:
Tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức
1. Chính trị tư tưởng
a) Chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình;
...
Theo đó, tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng cụ thể là việc chấp hành pháp luật của Nhà nước là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức.
Do đó, các hành vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định 90/2020/NĐ-CP, việc duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; không để xảy ra các vụ, việc vi phạm pháp luật cũng là một tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
>>> Xem thêm:
Mẫu phiếu đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức TẢI VỀ
Tổng hợp quy định về xử lý kỷ luật cán bộ công chức TẢI VỀ
Có nồng độ cồn bao nhiêu mg/l khí thở khi lái xe là vi phạm pháp luật?
Theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019) như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
...
8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
...
Như vậy, điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong hơi thở có nồng độ cồn là hành vi vi phạm pháp luật không kể mức độ ít hay nhiều.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chênh lệch thu từ lãi và chi phí trong hoạt động của Quỹ bảo toàn thì có được sử dụng bổ sung Quỹ bảo toàn không?
- Trong quản lý thuế, Bộ Tài chính có nhiệm vụ và quyền hạn gì theo quy định của pháp luật về thuế?
- Hóa đơn điện tử được lập mà số hóa đơn có sai sót thì người bán có được hủy hoặc thay thế không?
- Hiến tạng có yêu cầu đủ bao nhiêu tuổi không? Hiến tạng có cần sự đồng ý của gia đình hay không?
- Ai có thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi ngành và lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý?