Các cặp kết hôn đồng giới có được áp dụng quy định về tài sản chung không? Trường hợp ly hôn thì chia tài sản như thế nào?
Các cặp kết hôn đồng giới có thể áp dụng quy định về tài sản chung theo Luật Hôn nhân và gia đình hay không?
Căn cứ khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về kết hôn như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
4. Tập quán về hôn nhân và gia đình là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.
5. Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
6. Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.
7. Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.
8. Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.
...
Dẫn chiếu khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:
Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Từ những quy định trên thì kết hôn đồng giới tại Việt Nam không thuộc trường hợp bị cấm nhưng đồng thời cũng không được pháp luật thừa nhận.
Pháp luật chỉ xác lập quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ, cho nên đối với các cặp kết hôn đồng giới không thể áp dụng quy định tài sản chung của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 được.
Các cặp kết hôn đồng giới có được áp dụng quy định về tài sản chung không? Trường hợp ly hôn thì chia tài sản như thế nào? (Hình từ Internet)
Các cặp kết hôn đồng giới có được xác lập tài sản chung của nhau trong thời gian chung sống không?
Căn cứ Điều 207 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sở hữu chung như sau:
Sở hữu chung và các loại sở hữu chung
1. Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản.
2. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
Bên cạnh đó, tại Điều 208 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu chung như sau:
Xác lập quyền sở hữu chung
Quyền sở hữu chung được xác lập theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.
Theo đó, sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản. Các cặp kết hôn đồng giới có thể xác lập quyền sở hữu chung đối với tài sản thông qua thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.
Việc sử dụng các tài sản chung thông qua thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại Điều 217 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
(1) Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
(2) Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Các cặp kết hôn đồng giới sẽ chia tài sản chung như thế nào khi ly hôn?
Như đã nói thì kết hôn đồng giới không được pháp luật thừa nhận nên việc ly hôn đồng giới cũng không được công nhận và không thể áp dụng quy định về chia tài sản chung của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Khi cặp đồng giới "chia tay", tài sản chung của họ sẽ được xác định theo thỏa thuận giữa hai bên, nếu không thỏa thuận được thì sẽ giải quyết theo quy định pháp luật dân sự.
Cụ thể, việc chia tài sản chung sẽ được thực hiện theo Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015:
Chia tài sản thuộc sở hữu chung
1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mùng 4 Tết Âm lịch là ngày mấy dương lịch? Mùng 4 Tết Âm lịch là thứ mấy? Tết Âm lịch Ất Tỵ có bắn pháo hoa không?
- Chi tiết lịch nghỉ Tết ngân hàng Sacombank 2025? Trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong bảo vệ quyền lợi của khách hàng?
- Lịch nghỉ Tết Techcombank 2025 như thế nào? Tỷ lệ khấu trừ của tài sản bảo đảm của ngân hàng mới nhất?
- Lịch nghỉ Tết ngân hàng VPBank 2025 mới nhất? Đi làm dịp tết Âm lịch 2025 được trả lương thế nào?
- Tổ chức xã hội nghề nghiệp có quyền sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hay không?