Cá nhân muốn thực hiện các hoạt động khảo sát và thiết kế xây dựng thì yêu cầu về chứng chỉ hành nghề cụ thể như thế nào?
- Cá nhân muốn hành nghề hoạt động xây dựng cần có chứng chỉ hành nghề không?
- Để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cụ thể cần thỏa mãn quy định nào về chuyên môn?
- Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng được quy định như thế nào?
- Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng được quy định như thế nào?
Cá nhân muốn hành nghề hoạt động xây dựng cần có chứng chỉ hành nghề không?
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo quy định tại Điều 62 Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:
(1) Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập quy định tại khoản 3 Điều 148 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi điểm a khoản 53 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
(2) Các lĩnh vực, phạm vi hoạt động xây dựng của chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Phụ lục VI Nghị định này. Các hoạt động tư vấn liên quan đến kiến trúc, phòng cháy chữa cháy thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc và phòng cháy chữa cháy.
Dẫn chiếu đến Điều 148 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi điểm a khoản 53 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về điều kiện năng lực của cá nhân hoạt động xây dựng cụ thể như sau:
"Điều 148. Quy định chung về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng
1. Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.
...
3. Những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật này bao gồm giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; tư vấn giám sát thi công xây dựng; chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II và hạng III.
..."
Có thể thấy, để thực hiện hoạt động xây dựng, cụ thể là khảo sát và thiết kế xây dựng thì bạn cần có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cụ thể đối với từng hoạt động này.
Để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cụ thể cần thỏa mãn quy định nào về chuyên môn?
Chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo quy định tại Điều 67 Nghị định 15/2021/NĐ-CP đối với hoạt động khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng cụ thể như sau:
(1) Khảo sát xây dựng:
a) Khảo sát địa hình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành về địa chất công trình, trắc địa, bản đồ, các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan;
b) Khảo sát địa chất công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành về địa chất công trình, địa chất thủy văn, các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan.
(2) Thiết kế xây dựng:
a) Thiết kế kết cấu công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến kết cấu công trình (không bao gồm các công trình khai thác mỏ, giao thông, công trình thủy lợi, đê điều);
b) Thiết kế cơ - điện công trình (không bao gồm công trình đường dây và trạm biến áp): Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến hệ thống kỹ thuật điện, cơ khí, thông gió - cấp thoát nhiệt;
c) Thiết kế cấp - thoát nước công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến cấp - thoát nước,
d) Thiết kế xây dựng công trình khai thác mỏ: chuyên môn được đào tạo thuộc các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến công trình ngầm và mỏ;
đ) Thiết kế xây dựng công trình giao thông (gồm: đường bộ; cầu - hầm; đường sắt; đường thủy nội địa, hàng hải): Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến công trình giao thông;
e) Thiết kế xây dựng công trình cấp nước - thoát nước; xử lý chất thải rắn: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến cấp nước, thoát nước, kỹ thuật môi trường đô thị và các chuyên ngành kỹ thuật tương ứng;
g) Thiết kế xây dựng công trình thủy lợi, đê điều: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan đến công trình thủy lợi, đê điều và các chuyên ngành kỹ thuật tương ứng.
Theo đó, để xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, việc hành nghề trên thực tế của bạn cần đáp ứng những chuyên môn cụ thể nói trên theo từng hoạt động xây dựng.
Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng được quy định như thế nào?
Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng
Căn cứ Điều 68 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng quy định như sau:
Cá nhân được xét cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 66, Điều 67 Nghị định này và điều kiện tương ứng với các hạng như sau:
- Hạng I: Đã làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ ít nhất 01 dự án từ nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B trở lên hoặc ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc 02 công trình từ cấp II trở lên.
- Hạng II: Đã làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ ít nhất 01 dự án từ nhóm B trở lên hoặc 02 dự án từ nhóm C trở lên hoặc ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên.
- Hạng III: Đã tham gia khảo sát xây dựng thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ ít nhất 01 dự án từ nhóm C hoặc 02 dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng trở lên hoặc ít nhất 01 công trình từ cấp III trở lên hoặc 02 công trình từ cấp IV trở lên.
Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng được quy định như thế nào?
Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng
Căn cứ Điều 70 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng quy định như sau:
Cá nhân được xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 66, Điều 67 Nghị định này và điều kiện tương ứng với các hạng như sau:
- Hạng I: Đã làm chủ nhiệm hoặc chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế phần việc thuộc nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc ít nhất 02 công trình từ cấp II trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề,
- Hạng II: Đã làm chủ nhiệm hoặc chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế phần việc thuộc nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc ít nhất 02 công trình từ cấp III trở lên hoặc đã tham gia thiết kế, thẩm tra thiết kế phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 03 công trình từ cấp II trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
- Hạng III: Đã tham gia thiết kế, thẩm tra thiết kế phần việc thuộc nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 03 công trình từ cấp III trở lên hoặc 05 công trình từ cấp IV trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Như vậy, đối với trường hợp bạn muốn hành nghề xây dựng cụ thể đối với hoạt động khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng thì chứng chỉ hành nghề là yếu tố bắt buộc. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định cụ thể chuyên môn hoạt động và điều kiện tương ứng đối với từng hạng của mỗi chứng chỉ hành nghề nói trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Loại hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là gì? VSDC thực hiện thanh toán giao dịch theo phương thức nào?
- 05 căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết? Chế độ chính sách của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện thế nào?
- Hướng dẫn quy trình lựa chọn nhà đầu tư qua mạng mới nhất hiện nay? Lựa chọn nhà đầu tư qua mạng là gì?
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?