Bệnh viện tư tuyến mấy? Bệnh nhân bệnh viện công có được chuyển tuyến qua bệnh viện tư hay không?
Bệnh viện tư tuyến mấy?
Căn cứ tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 43/2013/TT-BYT có quy định như sau:
Các tuyến chuyên môn kỹ thuật
...
5. Phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân:
a) Căn cứ năng lực thực hiện kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn, hình thức tổ chức, quy mô hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế hoặc Sở Y tế) cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định (bằng văn bản) tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân phù hợp với quy định của Thông tư này.
…
Như vậy, theo quy định trên thì tuỳ năng lực thực hiện kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn, hình thức tổ chức, quy mô hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của bệnh viện tư nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế hoặc Sở Y tế) cấp giấy phép hoạt động cho bệnh viện tư quyết định (bằng văn bản) tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân phù hợp với quy định của Thông tư 43/2013/TT-BYT.
Bệnh nhân bệnh viện công có được chuyển tuyến qua bệnh viện tư hay không?
Hiện nay không có quy định hạn chế bệnh nhân bệnh viên công chuyển sang bệnh viện tư, muốn chuyển tuyến thì phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 5 Thông tư 14/2014/TT-BYT như sau:
(1) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị;
- Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn;
- Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4).
(2) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới phù hợp khi người bệnh đã được chẩn đoán, được điều trị qua giai đoạn cấp cứu, xác định tình trạng bệnh đã thuyên giảm, có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới.
(3) Điều kiện chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến:
- Bệnh không phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ điều kiện chẩn đoán và điều trị;
- Bệnh phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến dự kiến chuyển đến đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt.
(4) Chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên các địa bàn giáp ranh để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho người bệnh:
- Giám đốc Sở Y tế hướng dẫn cụ thể việc chuyển tuyến đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn giáp ranh trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc thẩm quyền quản lý;
- Giám đốc các Sở Y tế thống nhất, phối hợp hướng dẫn cụ thể việc chuyển tuyến đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc thẩm quyền quản lý.
(5) Các trường hợp chuyển người bệnh theo đúng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này được coi là chuyển đúng tuyến. Các trường hợp chuyển người bệnh không theo đúng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này được coi là chuyển vượt tuyến.
Trường hợp người bệnh không đáp ứng điều kiện chuyển tuyến theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nhưng người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh vẫn yêu cầu chuyển tuyến thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giải quyết cho người bệnh chuyển tuyến để bảo đảm quyền lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển người bệnh đi phải cung cấp thông tin để người bệnh biết về phạm vi quyền lợi và mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh không theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Bảo hiểm y tế có chi trả khi điều trị tại bệnh viện tư không?
Căn cứ tại Điều 24 Luật Bảo hiểm y tế 2008, được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là cơ sở y tế theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh có ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh với tổ chức bảo hiểm y tế.
Theo đó tại Điều 31 Luật Bảo hiểm y tế 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 20 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định như sau:
Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
1. Tổ chức bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
2. Tổ chức bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:
a) Tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
b) Khám bệnh, chữa bệnh không đúng quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
3. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định thủ tục, mức thanh toán đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Tổ chức bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở viện phí theo quy định của Chính phủ.
5. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Từ những căn cứ trên có thể thấy nếu bạn có thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh tại bệnh viện tư vẫn có thể được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế trong trường hợp sau:
- Khi bệnh viện tư có ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh với tổ chức bảo hiểm y tế;
- Tại Công văn 141/BHXH-CSYT năm 2019: Nếu bệnh viện tư không có ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh với tổ chức bảo hiểm y tế thì vẫn được bảo hiểm y tế thanh toán trực tiếp chi phí nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Cấp cứu.
+ Khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tương đương.
+ Khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương.
+ Khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương và tương đương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viết đoạn văn 200 chữ về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa? Đặc điểm môn Văn chương trình GDPT là gì?
- Lệnh giới nghiêm có phải được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng khi được ban bố không?
- Mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường mới nhất? Báo cáo công tác bảo vệ môi trường có bắt buộc không?
- Chương trình hội nghị kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024 ngắn gọn, ý nghĩa? Chương trình kiểm điểm Đảng viên năm 2024?
- Báo cáo tự kiểm tra Đảng viên chấp hành năm 2024? Cách viết báo cáo tự kiểm tra Đảng viên chấp hành năm 2024 như thế nào?