Báo cáo về kết quả quản lý chất thải y tế của cơ sở y tế được thực hiện bao nhiêu lần trong 01 năm? Có bắt buộc phải lập bằng bản giấy không?
Chất thải y tế bao gồm những loại nào?
Chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế được định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 20/2021/TT-BYT.
Và căn cứ theo Điều 6 Thông tư 20/2021/TT-BYT quy định về việc phân loại chất thải y tế như sau:
- Nguyên tắc phân loại chất thải y tế:
+ Chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tai thời điểm phát sinh;
+ Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa (trừ chất thải lây nhiễm sắc nhọn);
+ Trường hợp chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm và tiếp tục thực hiện quản lý theo tính chất của chất thải sau xử lý.
- Vị trí đặt bao bì, dụng cụ phân loại chất thải:
+ Tại khoa, phòng, bộ phận: bố trí vị trí phù hợp, an toàn để đặt bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa để phân loại chất thải y tế;
+ Tại vị trí đặt bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phải có hướng dẫn cách phân loại và thu gom chất thải.
- Phân loại chất thải lây nhiễm:
+ Chất thải lây nhiễm sắc nhọn: bỏ vào trong thùng hoặc hộp kháng thủng và có màu vàng;
+ Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn: bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng;
+ Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao: bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng;
+ Chất thải giải phẫu: bỏ vào trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng;
+ Chất thải lây nhiễm dạng lỏng: chứa trong túi kín hoặc dụng cụ lưu chứa chất lỏng và có nắp đậy kín.
- Phân loại chất thải nguy hại không lây nhiễm:
+ Chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa đối với các chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp;
+ Chất thải nguy hại không lây nhiễm ở dạng rắn: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu đen;
+ Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng lỏng: chứa trong dụng cụ lưu chứa chất lỏng có nắp đậy kín, có mã, tên loại chất thải lưu chứa.
- Phân loại chất thải rắn thông thường:
+ Chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu xanh. Chất thải sắc nhọn đựng trong dụng cụ kháng thủng;
+ Chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu trắng.
- Phân loại chất thải lỏng không nguy hại: chứa trong dụng cụ đựng chất thải lỏng có nắp đậy kín, có tên loại chất thải lưu chứa
Chất thải y tế được tiến hành thu gom như thế nào?
Việc thu gom chất thải y tế được tiến hành theo quy định tại Điều 7 Thông tư 20/2021/TT-BYT như sau:
- Thu gom chất thải lây nhiễm:
+ Cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế;
+ Dụng cụ thu gom chất thải phải bảo đảm kín, không rò rỉ dịch thải trong quá trình thu gom;
+ Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín;
+ Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ ở gần nơi phát sinh chất thải để loại bỏ mầm bệnh bằng thiết bị khử khuẩn. Đối với cơ sở y tế không có thiết bị khử khuẩn chất thải, trước khi thu gom túi đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi và bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ LÂY NHIỄM CAO”, được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải lây nhiễm để xử lý hoặc chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định;
+ Chất thải lây nhiễm dạng lỏng thu gom vào hệ thống thu gom nước thải y tế của cơ sở y tế và quản lý theo quy định về quản lý nước thải y tế;
+ Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg trong một ngày, chất thải lây nhiễm được thu gom với tần suất tối thiểu một lần một ngày, chất thải lây nhiễm sắc nhọn được thu gom tối thiểu là một lần một tháng.
- Thu gom chất thải nguy hại không lây nhiễm:
+ Chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế;
+ Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp, bảo đảm không bị rò rỉ, phát tán hơi thủy ngân ra môi trường.
- Thu gom chất thải rắn thông thường: chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế và chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế được thu gom riêng.
- Thu gom chất thải lỏng không nguy hại: chất thải lỏng không nguy hại được thu gom vào hệ thống thu gom nước thải của cơ sở y tế và quản lý theo quy định về quản lý nước thải y tế.
- Khí thải phải được xử lý, loại bỏ các vi sinh vật gây bệnh trước khi xả ra môi trường xung quanh.
- Thu gom nước thải:
+ Hệ thống thu gom nước thải phải là hệ thống kín và bảo đảm thu gom toàn bộ lượng nước thải phát sinh trong cơ sở y tế;
+ Nước thải y tế được thu gom và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý nước thải.
Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế
Báo cáo về kết quả quản lý chất thải y tế được thực hiện bao nhiêu lần trong 01 năm?
Khi thực hiện việc quản lý chất thải y tế, cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo về kết quả của hoạt động này theo quy định tại Điều 13 Thông tư 20/2021/TT-BYT như sau:
- Tần suất báo cáo: Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế được lập 01 năm một lần, tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của năm thực hiện báo cáo.
- Hình thức báo cáo: Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế được gửi bằng văn bản giấy hoặc bản điện tử hoặc qua phần mềm báo cáo.
- Nội dung và trình tự báo cáo:
+ Cơ sở y tế báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế của cơ sở theo mẫu quy định tại Mục A Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi về Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Y tế) trên địa bàn hoặc Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) đối với các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế trước ngày 16 tháng 12 của kỳ báo cáo;
+ Sở Y tế tổng hợp, báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế trên địa bàn theo mẫu quy định tại Mục B Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) trước ngày 20 tháng 12 của kỳ báo cáo.
Như vậy, theo quy định trên ta thấy, báo cáo về kết quản quản lý chất thải y tế của cơ sở y tế được thực hiện 01 năm một lần, tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của năm thực hiện báo cáo và có thể được lập bằng bản giấy hoặc bản điện tử hoặc qua phần mềm báo cáo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mục tiêu của giáo dục đại học là gì? Phát triển giáo dục đại học nhằm mục đích gì theo quy định?
- Viết bài văn tả con vật trên tivi lớp 4? Tả con vật em đã được quan sát trên ti vi lớp 4 hay nhất?
- Phạm vi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân được quy định như thế nào? Bộ máy giúp việc của Quỹ Hỗ trợ nông dân gồm có ai?
- Tải mẫu biên bản cuộc họp công ty năm 2025 hoàn chỉnh? File Word biên bản cuộc họp công ty mới nhất?
- Gợi ý quà Tết dương lịch 2025? Những món quà tặng Tết dương lịch 2025 ý nghĩa? Tết Dương lịch 2025 vào ngày mấy âm lịch?