Áp dụng quy định nào để xác định thời hạn điều tra vụ án hình sự trước ngày 01/01/2018 vẫn chưa kết thúc việc điều tra?
Áp dụng quy định nào để xác định thời hạn điều tra vụ án hình sự trước ngày 01/01/2018 vẫn chưa kết thúc việc điều tra?
Căn cứ vào khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 110/2015/QH13 một số cụm từ được thay thế bởi khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 41/2017/QH14 quy định như sau:
Điều 1
Kể từ ngày Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 (sau đây gọi là Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 7 năm 2016):
...
4. Đối với những vụ án hình sự do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đang tiến hành điều tra nhưng đến ngày 01 tháng 01 năm 2018 chưa kết thúc điều tra thì thời hạn điều tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
Theo như quy định trên thì những vụ án hình sự trước ngày 01/01/2018 do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đang tiến hành điều tra nhưng vẫn chưa kết thúc việc điều tra thì sau ngày 01/01/2018 sẽ áp dụng quy định về thời hạn điều tra của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Áp dụng quy định nào để xác định thời hạn điều tra vụ án hình sự trước ngày 01/01/2018 vẫn chưa kết thúc việc điều tra? (Hình từ Internet)
Thời hạn điều tra vụ án hình sự là bao lâu?
Căn cứ vào Điều 172 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:
Thời hạn điều tra
1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
2. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
3. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
4. Trường hợp thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, nhập vụ án thì tổng thời hạn điều tra không vượt quá thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Thẩm quyền gia hạn điều tra của Viện kiểm sát:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều tra. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều tra lần thứ nhất; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ hai. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương gia hạn điều tra lần thứ ba.
6. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý điều tra thì việc gia hạn điều tra thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Theo đó, thời hạn điều tra vụ án hình sự sẽ là tối đa 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; tối đa 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng; tối đa 04 tháng đối với tội phạm rất nghiệm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Những cơ quan nào có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự?
Căn cứ vào khoản 5 Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:
Thẩm quyền điều tra
...
5. Việc phân cấp thẩm quyền điều tra như sau:
a) Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực;
b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;
Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;
c) Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Như vậy, cơ quan điều tra cấp huyện sẽ có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự do Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử.
Cơ quan điều tra cấp tỉnh sẽ điều tra vụ án hình sự do Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử; điều tra vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp huyện nhưng xảy ra trên địa bàn nhiều huyện của tỉnh, phạm tội có tổ chức, có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ điều tra những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy định về dạy thêm học thêm trong nhà trường theo Thông tư 29/2024 ra sao? Trách nhiệm của Hiệu trưởng trong quản lý hoạt động dạy thêm học thêm?
- Nghị định 181/2024 quy định một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như thế nào?
- Mẫu thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động dùng chung cho mọi doanh nghiệp? Tải về mẫu thông báo?
- Lỗi không nhường đường cho người đi bộ bị phạt bao nhiêu 2025? Lỗi không nhường đường cho người đi bộ có bị trừ điểm giấy phép lái xe?
- Mẫu biên bản xác nhận hiện trạng nhà ở liền kề khi tiến hành phá/xây dựng nhà ở? Tải mẫu về ở đâu?