Yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra cần đảm bảo những căn cứ nào? Thời hạn hủy quyết định phong tỏa tài khoản là bao lâu?
- Ai có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra?
- Yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra cần đảm bảo những căn cứ nào?
- Quyền yêu cầu và trách nhiệm thực hiện việc phong tỏa tài khoản được quy định như thế nào?
- Thời hạn hủy quyết định phong tỏa tài khoản là bao lâu?
Ai có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra?
Căn cứ tại Điều 90 Luật Thanh tra 2022 quy định:
Yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra
1. Khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định tạm giữ tài sản, quyết định thu hồi tài sản của người có thẩm quyền quy định tại Điều 89 và Điều 91 của Luật này thì người ra quyết định thanh tra yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.
2. Trong quá trình thanh tra, khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản thì Trưởng đoàn thanh tra yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.
3. Việc yêu cầu phong tỏa tài khoản phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ mục đích phong tỏa, đối tượng có tài khoản bị phong tỏa, thời điểm, thời gian phong tỏa, trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng.
4. Tổ chức tín dụng nơi có tài khoản của đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện kịp thời, đầy đủ và báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu phong tỏa tài khoản.
Như vậy, Trưởng đoàn thanh tra có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra khi đáp ứng đủ căn cứ theo quy định.
Yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra cần đảm bảo những căn cứ nào? Thời hạn hủy quyết định phong tỏa tài khoản là bao lâu? (Hình từ Internet)
Yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra cần đảm bảo những căn cứ nào?
Căn cứ tại Điều 40 Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định về căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản như sau:
Căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản
1. Đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bao gồm:
a) Thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận;
b) Có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản;
c) Có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán dẫn đến thay đổi về tài sản.
2. Đối tượng thanh tra không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, khi yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra cần đảm bảo 02 căn cứ:
- Đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản
- Đối tượng thanh tra không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Quyền yêu cầu và trách nhiệm thực hiện việc phong tỏa tài khoản được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 41 Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định về quyền yêu cầu và trách nhiệm thực hiện việc phong toả tài khoản như sau:
- Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra quyết định phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra khi có căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản quy định tại Điều 40 Nghị định này để phục vụ cho hoạt động thanh tra. Quyết định phong tỏa tài khoản được gửi cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng) nơi đối tượng thanh tra có tài khoản.
- Tổ chức tín dụng, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện đầy đủ và kịp thời yêu cầu phong tỏa tài khoản của cơ quan thanh tra.
Thời hạn hủy quyết định phong tỏa tài khoản là bao lâu?
Căn cứ tại Điều 45 Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định về việc hủy quyết định phong tỏa tài khoản như sau:
Hủy quyết định phong tỏa tài khoản
1. Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ quyết định thu hồi tiền, tài sản hoặc những căn cứ để ra quyết định phong tỏa tài khoản không còn nữa, người có thẩm quyền ra quyết định phong tỏa tài khoản có trách nhiệm hủy quyết định phong tỏa tài khoản. Quyết định hủy phong tỏa tài khoản phải được gửi tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản bị phong tỏa và đối tượng thanh tra.
2. Tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phải thực hiện hủy phong tỏa tài khoản ngay khi nhận được quyết định hủy phong tỏa tài khoản của người có thẩm quyền, đồng thời thông báo việc hủy quyết định phong tỏa tài khoản cho chủ tài khoản.
Như vậy, thời hạn hủy quyết định phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra là 3 ngày kể từ khi đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ quyết định thu hồi tiền, tài sản hoặc những căn cứ để ra quyết định phong tỏa tài khoản không còn nữa.
Trưởng đoàn Thanh tra có trách nhiệm hủy quyết định phong tỏa tài khoản trong trường hợp này. Quyết định hủy phong tỏa tài khoản phải được gửi tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản bị phong tỏa và đối tượng thanh tra.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?
- Liên hệ bản thân về 19 điều Đảng viên không được làm? Liên hệ bản thân về những điều Đảng viên không được làm?
- Nhân viên y tế học đường là gì? Mức hỗ trợ phụ cấp cho nhân viên y tế học đường hiện nay là bao nhiêu?
- Báo cáo kiểm điểm chi ủy chi bộ thôn cuối năm 2024? Tải mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể chi bộ thôn mới nhất 2024 ở đâu?
- Mẫu quyết định đánh giá xếp loại lại tổ chức đảng, đảng viên cuối năm theo Hướng dẫn 25? Tải mẫu về?