Xem seri tiền biết được những thông tin gì? Nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền từ 14/5/2024 ra sao?
Xem seri tiền biết được những thông tin gì?
Ngày 29 tháng 3 năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định về quản lý seri tiền mới in của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Điều 3 Thông tư 01/2024/TT-NHNN giải thích seri tiền như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vần seri là phần chữ được ghép bởi 2 trong số 26 chữ cái (gồm: A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z). Vần seri bao gồm vần chính và vần phụ.
2. Vần chính là vần seri sử dụng để in trên các tờ tiền theo số lượng, cơ cấu tiền in hàng năm.
3. Vần phụ là vần seri sử dụng để in trên các tờ tiền thay thế những tờ tiền in hỏng.
4. Seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên với số lượng chữ số theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
5. Ký hiệu là các yếu tố ghi trên niêm phong bao, gói, bó tiền mới in hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định. Ký hiệu gồm cơ sở in, đúc tiền; loại tiền; vần seri; số thứ tự bao; năm sản xuất; tên hoặc số hiệu của người đóng gói và yếu tố khác theo quy trình tổ chức sản xuất của cơ sở in, đúc tiền.
6. Tiền mới in là tiền nguyên niêm phong của cơ sở in, đúc tiền theo quy cách đóng gói do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 5 Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định:
Nguyên tắc in, quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền
1. Nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền
a) Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi;
b) Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi;
c) Mỗi tờ tiền có một seri riêng.
Theo đó, khi nhìn vào số seri tiền, có thể nhận biết được một số thông tin như:
- Vần seri: phần chữ được ghép bởi 2 trong số 26 chữ cái (gồm: A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z).
- Thời gian phát hành tờ tiền:
+ Phát hành trước năm 2003: seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi
+ Phát hành từ năm 2003 trở đi: seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số. Trong đó:
++ Hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền
++ 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi.
Xem seri tiền biết được những thông tin gì? Nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền từ 14/5/2024 ra sao? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền từ 14/5/2024 ra sao?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền như sau:
- Cơ sở in, đúc tiền thực hiện in seri tờ tiền theo nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền nêu trên;
+ Trường hợp tờ tiền in hỏng được phát hiện sau công đoạn in seri, cơ sở in, đúc tiền phải sử dụng tờ tiền có vần phụ thay thế;
+ Nguyên tắc sử dụng vần phụ thay thế được thực hiện theo quy định của cơ sở in, đúc tiền quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 01/2024/TT-NHNN;
- Cơ sở in, đúc tiền tổ chức lưu trữ và quản lý thông tin seri của từng loại tiền (bao gồm cả vần phụ) đảm bảo chính xác, đầy đủ các yếu tố ghi trên niêm phong bao, gói, bó tiền mới in hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định, bao gồm các yếu tố như cơ sở in, đúc tiền, loại tiền, vần seri, năm sản xuất.
Tài liệu về vần seri được lưu trữ tại cơ sở in, đúc tiền theo quy định của cơ sở in, đúc tiền quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 01/2024/TT-NHNN.
Như vậy, việc sử dụng vần phụ thay thế và lưu trữ tài liệu về vần seri được thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng, lưu trữ vần seri trong quá trình sản xuất tại cơ sở in, đúc tiền được cơ sở in, đúc tiền ban hành và gửi Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ) trong vòng 10 ngày kể từ ngày ban hành quy định.
Hiện hành, nguyên tắc in, quản lý seri trong quá trình in tiền quy định tại Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 28/2007/QĐ-NHNN như sau: - Việc in seri trong quá trình in tiền được thực hiện theo nguyên tắc: + Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi. + Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền đó, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi. - Quản lý seri trong quá trình in tiền của nhà máy in tiền + Nhà máy in tiền thực hiện việc đóng bó, đóng gói, đóng bao theo Quy trình công nghệ của nhà máy và mở sổ ghi chép seri của từng loại tiền; bảo đảm ghi chính xác, đầy đủ các yếu tố: vần seri đã sử dụng (kể cả vần phụ), loại tiền, năm sản xuất, ký hiệu của bao, gói, bó tiền. Trường hợp in hỏng (phát hiện sau công đoạn in seri) phải sử dụng tờ tiền có vần phụ thay thế, nhà máy in tiền phải tổ chức ghi chép theo đúng quy trình công nghệ in tiền của nhà máy. + Tài liệu về vần seri, sổ ghi chép seri được lưu giữ tại nhà máy in tiền theo quy trình công nghệ in tiền của nhà máy. |
Việc quản lý seri tiền mới in trong quá trình giao, nhận tiền được quy định thế nào?
Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định về quản lý seri tiền mới in trong quá trình giao, nhận tiền như sau:
- Trong quá trình giao, nhận tiền mới in
+ Cơ sở in, đúc tiền giao tiền mới in cho Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ); giao, nhận tiền mới in giữa các Kho tiền Trung ương; giao, nhận tiền mới in giữa Kho tiền Trung ương với Sở Giao dịch và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; giao, nhận tiền mới in giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh với nhau.
+ Bên giao tiền mới in phải lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư 01/2024/TT-NHNN kèm theo biên bản giao nhận tiền hoặc phiếu xuất.
+ Bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận;
+ Trường hợp phát hiện sai sót, bên nhận phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh, đảm bảo khớp đúng với thực tế giao nhận;
+ Khi xuất tiền mới in từ Quỹ dự trữ phát hành sang Quỹ nghiệp vụ phát hành tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ngược lại, thủ kho bên giao lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư 01/2024/TT-NHNN.
+ Thủ kho bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận;
+ Trường hợp phát hiện sai sót, bên nhận phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh, đảm bảo khớp đúng với thực tế giao nhận;
+ Bảng kê seri do thủ kho bên giao ký và phải thể hiện chính xác các yếu tố: Bên giao, bên nhận, loại tiền, số lượng, vần seri, năm sản xuất, ký hiệu bao, gói, bó tiền hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Bảng kê này được lập thành 02 liên, mỗi bên giao, nhận giữ 01 liên.
- Trách nhiệm theo dõi, quản lý, lưu trữ thông tin seri tiền mới in
+ Bên giao và bên nhận có trách nhiệm theo dõi, quản lý, lưu trữ thông tin seri của các bao, gói, bó tiền mới in đã giao, nhận tại đơn vị;
+ Khi Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xuất tiền mới in theo bao nguyên niêm phong cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước và các đối tượng khác, bên giao có trách nhiệm quản lý, lưu trữ thông tin seri tiền mới in đã xuất cho các đơn vị.
Thông tư 01/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 5 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Huân chương Lao động hạng 3 do ai tặng? Tiêu chuẩn Huân chương Lao động hạng 3 đối với tập thể?
- Hướng dẫn cách gửi clip vi phạm giao thông? Clip vi phạm giao thông phải đảm bảo những điều kiện gì?
- Năm 2025, lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường đối với người đi bộ phạt bao nhiêu? Có mấy loại vạch kẻ đường?
- Lời nhận xét cuối kì 1 lớp 1 tất cả các môn 2024 2025? Lời nhận xét cuối kì 1 lớp 1 theo Thông tư 27 thế nào?
- Quy định về hóa đơn, chứng từ theo Luật Thuế giá trị gia tăng? Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu?