Vợ giữ hết lương của chồng có thể bị phạt đến 30 triệu đồng đúng hay không? Hiểu thế nào về bạo lực kinh tế?
Bạo lực về kinh tế là gì? Vợ giữ hết lương của chồng có phải bạo lực kinh tế?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, hành vi bạo lực gia đình được quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
..
1. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
..
Theo đó, việc gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình bị xem là hành vi bạo lực gia đình.
Dẫn chiếu đến Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định như sau:
Hành vi bạo lực gia đình
1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
...
n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
...
Bên cạnh đó, tại Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi bạo lực về kinh tế
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
2. Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
3. Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Như vậy, bạo lực kinh tế được hiểu là một dạng của bạo lực gia đình thông qua các hành vi sau:
- Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
- Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
- Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
- Cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ;
- Kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
Vậy, vợ giữ hết lương của chồng có phải bạo lực kinh tế?
Đầu tiên, theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì tiền lương có được sau khi kết hôn được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, vợ chồng có thể thỏa thuận về việc ai là người giữ số tiền này.
Đồng thời, luật cũng quy định tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. “Nhu cầu của gia đình” ở đây có thể là nhu cầu về ăn, mặc, khám chữa bệnh, lo cho con cái,...
Mặt khác, pháp luật hiện hành không có quy định nào điều chỉnh đối với hành vi chiếm giữ tài sản chung của vợ/chồng.
Cho nên, nếu vợ giữ hết lương của chồng để phục vụ nhu cầu của gia đình thì không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nếu giữa hai vợ chồng có thỏa thuận với nhau và coi tiền lương là tài sản riêng hoặc trong trường hợp phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, hai người xác định tiền lương là tài sản riêng thì việc vợ giữ hết lương của chồng nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác thì có thể bị xác định là có hành vi bạo lực kinh tế (bạo lực gia đình).
Vợ giữ hết lương của chồng có thể bị phạt đến 30 triệu đồng đúng hay không? Hiểu thế nào về bạo lực kinh tế? (hình từ internet)
Vợ giữ hết lương của chồng có thể bị xử phạt hành chính đến 30 triệu đồng?
Như đã phân tích ở trên, nếu giữa hai vợ chồng có thỏa thuận với nhau và coi tiền lương là tài sản riêng hoặc khi phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, hai người xác định tiền lương là tài sản riêng thì việc vợ giữ hết lương của chồng nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác sẽ bị coi là hành vi vi phạm và có thể bị xác định có hành vi bạo lực về kinh tế (bạo lực gia đình).
Trong trường hợp này, việc vợ giữ hết lương của chồng có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng với hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình" (khoản 1 Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong phòng chống bạo lực gia đình?
Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, cụ thể như sau:
- Hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.
- Kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
- Sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
- Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
- Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
- Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng là ai? Điều kiện đối với chủ sở hữu là cổ đông sáng lập là gì?
- Mẫu chương trình đại hội chi bộ không có trù bị là mẫu nào? Tải về mẫu chương trình đại hội chi bộ không có trù bị?
- Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong đấu tranh giành chính quyền cách mạng giai đoạn 30 - 45 theo Hướng dẫn 175?
- Tổng hợp 06 mẫu phiếu biểu quyết thi hành kỷ luật đảng viên mới nhất theo Hướng dẫn 05? Khi nào kỷ luật cách chức?
- Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học thế nào? Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học ra sao?