Vợ chồng ly hôn tự thỏa thuận được việc phân chia tài sản chung thì ai phải chịu án phí khi ly hôn?
Hai vợ chồng thuận tình ly hôn thì ai phải chịu án phí sơ thẩm?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm như sau:
"Điều 147. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm
4. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm."
Như vậy, theo quy định nêu trên, đối với vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án có chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Nếu như hai vợ chồng chị thuận tình ly hôn thì mỗi bên sẽ chịu một nửa án phí sơ thẩm.
Tải về mẫu đơn ly hôn thuận tình mới nhất 2023: Tại Đây
Ly hôn (Hình từ Internet)
Nghĩa vụ chịu án phí ly hôn trong trường hợp vợ chồng tự thỏa thuận được việc phân chia tài sản thuộc về ai?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể như sau:
"Điều 27. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể
[...]
5. Đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
a) Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí;
b) Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Nghị quyết này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia;
c) Trường hợp vợ chồng yêu cầu người khác thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà Tòa án chấp nhận yêu cầu của vợ, chồng, thì người có nghĩa vụ về tài sản phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với giá trị phân tài sản mà họ phải thực hiện; nếu họ không thỏa thuận chia được với nhau mà gộp vào tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết thì mỗi người phải chịu án phí dân sự tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia;
d) Trường hợp đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải thì đương sự không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với việc phân chia tài sản chung;
đ) Trường hợp Tòa án đã tiến hành hòa giải, tại phiên hòa giải đương sự không thỏa thuận việc phân chia tài sản chung của vợ chồng nhưng đến trước khi mở phiên tòa các bên đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ, chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì được xem là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án hòa giải trước khi mở phiên tòa và phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia;
e) Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tai sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng."
Như vậy, trường hợp anh chị tự thỏa thuận được việc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, có yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án và quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải thì anh chị không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với việc phân chia tài sản chung này.
Mức án phí sơ thẩm khi ly hôn phải nộp là bao nhiêu?
Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể (theo khoản 2 Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14).
Căn cứ theo mục Danh mục án phí, lệ phí tòa án Ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về vấn đề này, theo đó:
Đối với tranh chấp về hôn nhân gia đình không có giá ngạch (ví dụ chị chỉ yêu cầu tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn, chấm dứt quan hệ hôn nhân với chồng còn tài sản thì hai vợ chồng chị tự thỏa thuận với nhau) thì mức án phí sẽ là: 300.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cách tính lương tháng 13 mới nhất năm 2025 chi tiết? Làm hết tháng 12 có được thưởng tháng 13 không?
- Công trình hết tuổi thọ thiết kế có thực hiện kiểm định xây dựng không? Chi phí kiểm định xây dựng được xác định bằng cách nào?
- Tiêu chuẩn cụ thể của Trợ lý Tổng Bí thư? Nguyên tắc tuyển chọn, sử dụng trợ lý Tổng Bí thư? Tuổi bổ nhiệm, tuổi công tác của trợ lý Tổng Bí thư?
- Mẫu đơn đề nghị học sát hạch để cấp giấy phép lái xe 2025 theo Thông tư 35/2024 như thế nào?
- Giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng do cơ quan nào chủ trì tổ chức? Chi phí tổ chức giám định do ai chi trả?