VKSND tối cao giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến thi hành tạm giữ, thi hành án hình sự như thế nào?
- Cơ quan nào có thẩm quyền điều chuyển người bị tạm giữ từ buồng tạm giữ đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân?
- Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có đương nhiên hết hiệu lực không trong trường hợp bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm và bị hủy để điều tra, xét xử lại?
- Trường hợp người bị kết án tử hình không làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình mà chỉ có đơn kêu oan thì có được coi là đủ điều kiện để thi hành án tử hình không?
- Việc giải quyết khiếu nại trong xét tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện như thế nào?
Cơ quan nào có thẩm quyền điều chuyển người bị tạm giữ từ buồng tạm giữ đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Mục 3 Công văn 2160/VKSTC-V14 năm 2023 VKSND tối cao hướng dẫn như sau:
- Theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 19 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, thì việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân với cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi nhận.
- Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh thực hiện quản lý tạm giữ đối với Buồng tạm giữ của đồn Biên phòng.
- Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 thì cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định việc điều chuyển người bị tạm giữ, tạm giam giữa các cơ sở giam giữ trong phạm vi tinh, quân khu.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định việc điều chuyển người bị tam giữ từ các buồng tạm giữ của đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân.
VKSND tối cao giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến thi hành tạm giữ, thi hành án hình sự như thế nào? (Hình từ internet)
Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có đương nhiên hết hiệu lực không trong trường hợp bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm và bị hủy để điều tra, xét xử lại?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Mục 3 Công văn 2160/VKSTC-V14 năm 2023 VKSND tối cao hướng dẫn như sau:
- Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù không đương nhiên hết hiệu lực trong trường hợp bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm và bị hủy để điều tra, xét xử lại, vì đây là hai thủ tục độc lập với nhau, do các Hội đồng khác nhau thực hiện. Để xem xét hiệu lực quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì cần căn cứ vào kết quả điều tra, xét xử lại để xử lý, giải quyết:
+ Nếu kết quả điều tra lại, xét xử lại mà xác định bị cáo vô tội thì quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù không còn hiệu lực.
+ Nếu kết quả điều tra, xét xử lại mà bị cáo bị xử phạt tù thì phân biệt như sau:
++ Trường hợp có mức án khác thấp hơn thì áp dụng chính sách có lợi theo hướng khấu trừ thời gian đã giảm án vào thời hạn phạt tù theo bản án mới;
++ Trường hợp có mức án khác cao hơn thì đối với những quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà khi đó phạm nhân đủ điều kiện về thời gian chấp hành án theo mức án của bản án mới thì được khấu trừ, còn đối với những quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trước thời điểm phạm nhân đủ điều kiện về thời gian chấp hành án theo mức án của bản án mới sẽ không được khấu trừ.
Trường hợp người bị kết án tử hình không làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình mà chỉ có đơn kêu oan thì có được coi là đủ điều kiện để thi hành án tử hình không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Mục 3 Công văn 2160/VKSTC-V14 năm 2023 VKSND tối cao hướng dẫn như sau:
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 367 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, đơn xin ân giảm hình phạt tử hình là đơn người bị kết án xin được giảm án, không phải chấp hành án tử hình và được gửi tên Chủ tịch nước trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật; còn đơn kêu oan là đơn người bị kết án cho rằng mình bị oan, không có tội. Đây là 02 loại đơn khác nhau.
- Do hiện nay pháp luật chỉ quy định việc bản án tử hình được thi hành khi có đủ 02 điều kiện:
+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm
+ Người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước, nên cần phải xác định: nếu người bị kết án chỉ có đơn kêu oan, không có đơn xin ân giảm thì Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Trường hợp Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao không kháng nghị, người bị kết án không có đơn xin ân giảm trong thời hạn quy định thì đủ điều kiện thi hành án tử hình.
Việc giải quyết khiếu nại trong xét tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Mục 3 Công văn 2160/VKSTC-V14 năm 2023 VKSND tối cao hướng dẫn như sau:
- Theo quy định tại khoản 11 Điều 368 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì phạm nhân có quyền khiếu nại đối với quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.
- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết kháng nghị, khiếu nại các quyết định quy định tại khoản này được hiện theo quy định tại Chương XXII và Chương XXXIII
- Tại khoản 2 Điều 469 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “Đối với... quyết định của... Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này”.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên, những khiếu nại đối với quyết định của Hội đồng xét tha tù trước thời hạn có điều kiện không thuộc phạm vi giải quyết theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 mà được thực hiện theo trình tự, thủ tục phúc thẩm quy định tại Chương XXII Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?
- Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân gây rối loạn lượng cực? Rối loạn lượng cực có tái phát không?
- Trường cao đẳng sư phạm trung ương trực thuộc cơ quan nào? Nội dung quy chế tổ chức của trường cao đẳng sư phạm trung ương?
- Tranh chấp hợp đồng dân sự là gì? Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm tranh chấp hợp đồng dân sự?
- Quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng sư phạm phải được lấy ý kiến rộng rãi từ những ai?