Việc triệu tập bị hại để lấy lời khai được thực hiện như thế nào? Bị hại là người dưới 18 tuổi thì giấy triệu tập sẽ được giao cho ai?
Việc triệu tập bị hại để lấy lời khai được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 188 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự như sau:
Triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự
Việc triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại các điều 185, 186 và 187 của Bộ luật này.
Việc lấy lời khai của bị hại, đương sự có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Theo đó, dẫn chiếu đến Điều 185 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc triệu tập bị hại để lấy lời khai cũng sẽ tương tự với việc triệu tập người làm chứng, cụ thể được thực hiện theo quy định sau đây:
- Khi triệu tập bị hại đến lấy lời khai, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập.
- Giấy triệu tập bị hại ghi rõ họ tên, chỗ ở hoặc nơi làm việc, học tập của bị hại; giờ, ngày, tháng, năm và địa điểm có mặt; mục đích và nội dung làm việc, thời gian làm việc; gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
- Việc giao giấy triệu tập được thực hiện như sau:
+ Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho bị hại hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị hại cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập. Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận.
+ Chính quyền xã, phường, thị trấn bị hại cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập có trách nhiệm tạo điều kiện cho bị hại thực hiện nghĩa vụ;
+ Giấy triệu tập bị hại dưới 18 tuổi được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện khác của họ;
+ Việc giao giấy triệu tập bị hại theo ủy thác tư pháp của nước ngoài được thực hiện theo quy định tại khoản này và Luật tương trợ tư pháp.
- Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể triệu tập bị hại để lấy lời khai. Việc triệu tập bị hại được thực hiện theo quy định tại Điều này.
Như vậy, đối với bị hại là người dưới 18 tuổi thì giấy triệu tập sẽ được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện khác của họ.
Lấy lời khai bị hại (Hình từ Internet)
Bị hại là người dưới 18 tuổi thì chỉ được lấy lời khai tối đa mấy lần?
Tại Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất đối với người dưới 18 tuổi như sau:
Lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất
1. Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
2. Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ.
Việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự.
3. Người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi nếu được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.
4. Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
5. Thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn;
c) Ngăn chặn người khác phạm tội;
d) Để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án;
đ) Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
6. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu bị hại là người dưới 18 tuổi thì chỉ được lấy lời khai tối đa hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
Bị hại trong vụ án hình sự được hiểu là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, bị hại trong vụ án hình sự được hiểu là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thống nhất về dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tại Nghị quyết 15/NQ-CP?
- Mẫu bài phát biểu chúc Tết Nguyên đán của Hiệu trưởng hay và ý nghĩa? Tham khảo mẫu bài phát biểu?
- Lùi xe trên đường 1 chiều phạt bao nhiêu? Lỗi lùi xe trên đường 1 chiều ô tô, xe máy theo Nghị định 168?
- Dự toán chi phí sửa chữa công trình xây dựng bao gồm những gì? Công việc sửa chữa công trình phải được bảo hành trong bao lâu?
- Toàn văn Nghị quyết 15/NQ-CP về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy?