Việc thay đổi nội dung nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chỉ được thực hiện khi nào?
Mục đích nhà thầu phụ ký hợp đồng với nhà thầu là gì?
Theo quy định tại khoản 27 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 thì nhà thầu phụ là tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với nhà thầu để tham gia thực hiện công việc xây lắp; tư vấn; phi tư vấn; dịch vụ liên quan của gói thầu cung cấp hàng hóa; công việc thuộc gói thầu hỗn hợp.
Trong đó, theo quy định tại khoản 26 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 thì:
Nhà thầu là tổ chức, cá nhân hoặc kết hợp giữa các tổ chức hoặc giữa các cá nhân với nhau theo hình thức liên danh trên cơ sở thỏa thuận liên danh tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn.
Trường hợp liên danh, thỏa thuận liên danh phải quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh đối với toàn bộ phạm vi của gói thầu.
Hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu có phải nêu rõ giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ hay không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 67 Luật Đấu thầu 2023 về ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn:
Ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn
Việc ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu được thực hiện như sau:
1. Một gói thầu được thực hiện theo một hợp đồng; trong một hợp đồng có thể áp dụng một hoặc nhiều loại hợp đồng quy định tại Điều 64 của Luật này; đối với gói thầu mua sắm tập trung hoặc gói thầu chia thành nhiều phần, một gói thầu có thể thực hiện theo nhiều hợp đồng tương ứng với một hoặc một số phần. Trường hợp áp dụng nhiều loại hợp đồng thì phải quy định rõ loại hợp đồng tương ứng với từng nội dung công việc cụ thể;
2. Hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả thương thảo hợp đồng (nếu có), quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt (nếu có) và giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ. Giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ không bao gồm khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt;
3. Đối với nhà thầu liên danh, tất cả thành viên tham gia liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng; đối với mua sắm tập trung áp dụng thỏa thuận khung, tất cả thành viên tham gia liên danh trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng hoặc thành viên liên danh ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng với đơn vị có nhu cầu mua sắm theo phân công tại thỏa thuận liên danh;
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả thương thảo hợp đồng (nếu có), quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ.
Lưu ý: Giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ không bao gồm khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt.
Hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu có phải nêu rõ giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ hay không? (Hình từ Internet)
Việc thay đổi nội dung nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chỉ được thực hiện khi nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 132 Nghị định 24/2024/NĐ-CP về quản lý nhà thầu
Quản lý nhà thầu
...
2. Quản lý nhà thầu phụ:
a) Nhà thầu được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hoặc ký với nhà thầu phụ được chủ đầu tư chấp thuận để tham gia thực hiện công việc xây lắp; tư vấn; phi tư vấn; dịch vụ liên quan của gói thầu cung cấp hàng hóa; công việc thuộc gói thầu hỗn hợp. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các nghĩa vụ của nhà thầu. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện;
b) Việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ quy định tại điểm a khoản này hoặc thay đổi nội dung thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chỉ được thực hiện khi được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận và không vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng; việc sử dụng nhà thầu phụ phải phù hợp với nhu cầu của nhà thầu trong thực hiện hợp đồng, nhà thầu phụ phải đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu của nhà thầu;
c) Nhà thầu chịu trách nhiệm lựa chọn, sử dụng các nhà thầu phụ có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện các công việc được giao. Trường hợp sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt thực hiện công việc quan trọng của gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, việc đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt được thực hiện theo quy định nêu trong hồ sơ mời thầu. Khi sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt, nhà thầu không bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm đối với phần công việc giao cho nhà thầu phụ đặc biệt;
d) Nhà thầu chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng tiến độ cho nhà thầu phụ theo đúng thỏa thuận giữa nhà thầu với nhà thầu phụ.
Như vậy, việc thay đổi nội dung nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chỉ được thực hiện khi được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận và không vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng; việc sử dụng nhà thầu phụ phải phù hợp với nhu cầu của nhà thầu trong thực hiện hợp đồng, nhà thầu phụ phải đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu của nhà thầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3 2 khi nào?
- Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản gồm những khoản nào? Cách tính thuế ra sao?
- Cổ phần ưu đãi cổ tức của tổ chức tín dụng có được phép chuyển thành cổ phần phổ thông hay không?
- Mẫu quyết định thay đổi thư ký trước khi mở phiên Tòa hình sự là mẫu nào? Tải mẫu và hướng dẫn viết?
- Mẫu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung dùng cho Hội đồng xét xử trong tố tụng hình sự? Tải mẫu và hướng dẫn viết?