Trường hợp nhà đất được chuyển nhượng bị vô hiệu nhưng đã thế chấp cho Ngân hàng trước ngày 01/1/2017 có được xem là không vô hiệu không?
- Giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp GCN quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng như thế nào?
- Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng như thế nào?
- Tòa án nhân dân tối cao giải đáp như thế nào về trường hợp này?
Giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp GCN quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng như thế nào?
Căn cứ theo tiểu mục 1 Mục II Công văn 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 hướng dẫn như sau:
- Theo Bản thuyết minh Dự án Bộ luật Dân sự năm 2015 của Ban soạn thảo thì quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự là nhằm: “...Bảo đảm công bằng, hợp lý đối với người thiện chí, ngay tình và bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự (các Bộ luật dân sự trên thế giới đều ghi nhận việc bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự)...”.
- Cho nên, cụm từ “chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác” tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự phải được áp dụng theo nghĩa rộng. Có nghĩa là: Không chỉ có những giao dịch nhằm chuyển giao quyền sở hữu như: Hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn nhà ở; chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... mà cả những giao dịch nhằm chuyển giao những quyền về sở hữu đối với tài sản hoặc quyền về sử dụng đối với thửa đất.
- Đồng thời, thế chấp tài sản là một biện pháp bảo đảm, theo quy định tại Điều 317 của Bộ luật Dân sự thì nội hàm của thế chấp tài sản là việc người thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp mà không giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
- Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 320 của Bộ luật Dân sự quy định nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản là: “Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này...”; khoản 7 Điều 323 của Bộ luật Dân sự quy định quyền của bên nhận thế chấp: “Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này”.
- Như vậy, mục đích của thế chấp là người có nghĩa vụ dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp, trong trường hợp nghĩa vụ đó không được bên thế chấp thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì phải giao tài sản đã thế chấp cho bên nhận thế chấp xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi của bên nhận thế chấp.
- Vì vậy, phải xem thế chấp tài sản là một giao dịch chuyển giao tài sản có điều kiện; để bảo đảm quyền lợi cho bên nhận thế chấp ngay tình thì phải hiểu quy định “chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác” tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự được áp dụng cả trong trường hợp giao dịch về thế chấp tài sản.
- Cho nên, trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật thì giao dịch thế chấp đó không vô hiệu.
Trường hợp nhà đất được chuyển nhượng bị vô hiệu nhưng đã thế chấp cho Ngân hàng trước ngày 01/01/2017 có được áp dụng không vô hiệu theo BLDS 2015 hay không?
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng như thế nào?
Căn cứ theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau:
(1) Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
(2) Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
(3) Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
(4) Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
(5) Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
Như vậy, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
Tòa án nhân dân tối cao giải đáp như thế nào về trường hợp này?
- Căn cứ theo Điều 689 Bộ Luật Dân sự 2015 về hiệu lực thi hành thì Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017
- Căn cứ theo giải đáp của Công văn 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 giải đáp một số vướng mắc trong xét xử như sau:
+ Về nguyên tắc chung, hành vi xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó. Khi văn bản quy phạm pháp luật cụ thể có quy định khác, như quy định có hiệu lực trở về trước (hồi tố) thì mới được áp dụng khác với nguyên tắc chung nêu trên.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hướng dẫn tại tiểu mục 1 mục I Công văn 64/TANDTC-PC nêu trên được áp dụng đối với các giao dịch dân sự được thực hiện kể từ ngày 01-01-2017 mà không áp dụng đối với các giao dịch dân sự được thực hiện trước ngày 01-01-2017.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bản tự đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh cuối kì 1 năm học 2024 2025? Viết bản tự xếp loại hạnh kiểm học sinh cuối kì 1?
- Quyền hưởng dụng là gì? Có được cho thuê quyền hưởng dụng không? Có được hưởng giá trị hoa lợi, lợi tức khi quyền hưởng dụng chấm dứt không?
- Mẫu biên bản thỏa thuận bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng nhà ở mới nhất là mẫu nào? Tải về?
- Kế hoạch bảo trì công trình xây dựng là gì? Mẫu kế hoạch bảo trì công trình xây dựng hằng năm mới nhất?
- Tiền trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178 có đóng thuế TNCN không? Chính sách nghỉ hưu trước tuổi năm 2025 theo Nghị định 178?