Trường hợp nào mà doanh nghiệp không cần phải bố trí kế toán trưởng? Nếu thiếu chữ ký kế toán trưởng trên các phiếu thu/chi thì bị xử phạt thế nào?
Trường hợp nào mà doanh nghiệp không cần phải bố trí kế toán trưởng?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định về việc bố trí kế toán trưởng như sau:
"Điều 20. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán
1. Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.
2. Phụ trách kế toán:
a) Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.
b) Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.
3. Thời hạn bổ nhiệm kế toán trưởng của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước, thời hạn bổ nhiệm phụ trách kế toán của các đơn vị quy định tại điểm a khoản 2 Điều này là 5 năm sau đó phải thực hiện các quy trình về bổ nhiệm lại kế toán trưởng, phụ trách kế toán.
..."
Theo đó, việc bố trí kế toán trưởng tại doanh nghiệp là điều bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp siêu nhỏ thì có thể bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng. Nếu như chi nhánh của chị thuộc diện doanh nghiệp siêu nhỏ thì không cần phải bố trí kế toán trưởng.
Kế toán trưởng
Làm thế nào để xác định được doanh nghiệp nào là doanh nghiệp thuộc doanh nghiệp siêu nhỏ?
Căn cứ vào Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
"Điều 5. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
..."
Theo quy định pháp luật nêu trên thì doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số người lao động không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp. Còn đối với lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có số người lao động không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Nếu thiếu chữ ký kế toán trưởng trên các phiếu thu/chi thì bị xử phạt thế nào?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán như sau:
"Điều 9. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập sổ kế toán không ghi rõ tên đơn vị kế toán; tên sổ, ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; thiếu chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; không đánh số trang; không đóng dấu giáp lai giữa các trang của số kế toán trên giấy;
..."
Ngoài ra tại Điều 11 Nghị định 41/2018/NĐ-CP còn quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính như sau:
"Điều 11. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
...
b) Báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.
..."
Và tại Điều 17 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê làm kế toán như sau:
"Điều 17. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê làm kế toán
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
...
b) Không thực hiện bổ nhiệm lại kế toán trưởng, phụ trách kế toán theo thời hạn quy định;
..
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tổ chức bộ máy kế toán của đơn vị kế toán; không bố trí người làm kế toán, làm kế toán trưởng hoặc không thuê tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán làm kế toán, làm kế toán trưởng theo quy định;
..."
Trên đây là những quy định xử phạt trong trường hợp thiếu chữ ký kế toán trưởng trên các phiếu thu/chi tại doanh nghiệp. Chị nên xem xét trường hợp của doanh nghiệp mình để bổ trí kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Phiếu khám thai là mẫu nào? Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào? 21 hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh?
- Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng I, II, III là gì?
- Toàn văn Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024? Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 áp dụng từ khi nào?
- Cách xử lý hóa đơn sai tên công ty theo Thông tư 78? Ký hiệu hóa đơn điện tử được quy định như thế nào?
- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân gồm những hình phạt nào? Hình phạt cao nhất là gì?