Trung úy quân nhân chuyên nghiệp có hạn tuổi phục vụ thế nào? Được thăng cấp bậc quân hàm khi nào?
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp có hạn tuổi phục vụ thế nào?
Theo Điều 17 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định về thời hạn và hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp như sau:
Thời hạn và hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp
1. Thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp trong thời bình như sau:
a) Phục vụ có thời hạn ít nhất là 06 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp;
b) Phục vụ cho đến hết hạn tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm:
a) Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi;
b) Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi;
c) Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.
3. Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm.
4. Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.
Danh mục chức danh chiến đấu viên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Theo đó, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp có hạn tuổi phục vụ tại ngũ của nam và nữ đều 52 tuổi.
Lưu ý: Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm.
Điều kiện để Trung úy quân nhân chuyên nghiệp được thăng cấp bậc quân hàm cao hơn là gì?
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 170/2016/TT-BQP quy định về thăng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp khi được nâng lương như sau:
Thăng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp khi được nâng lương
1. Quân nhân chuyên nghiệp được thăng cấp bậc quân hàm khi cấp bậc quân hàm đang giữ thấp hơn cấp bậc quân hàm tương ứng với mức lương được nâng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
2. Trường hợp cấp bậc quân hàm đang giữ bằng bậc quân hàm cao nhất theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thì chỉ xét nâng lương hoặc cho hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, không thăng cấp bậc quân hàm.
3. Trường hợp cấp bậc quân hàm đang giữ cao hơn bậc quân hàm cao nhất theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thì được bảo lưu.
Theo quy định Trung úy quân nhân chuyên nghiệp được thăng cấp bậc quân hàm cao hơn khi cấp bậc quân hàm đang giữ thấp hơn cấp bậc quân hàm tương ứng với mức lương được nâng theo quy định tại Điều 4 Thông tư 170/2016/TT-BQP như sau:
Cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương
1. Cấp bậc quân hàm Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương có hệ số dưới 3,95.
2. Cấp bậc quân hàm Trung úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 3,95 đến dưới 4,45.
3. Cấp bậc quân hàm Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 4,45 đến dưới 4,90.
4. Cấp bậc quân hàm Đại úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 4,90 đến dưới 5,30.
5. Cấp bậc quân hàm Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 5,30 đến dưới 6,10.
6. Cấp bậc quân hàm Trung tá quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 6,10 đến dưới 6,80.
7. Cấp bậc quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 6,80 trở lên.
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp có hạn tuổi phục vụ thế nào? Được thăng cấp bậc quân hàm khi nào? (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền thăng cấp bậc quân hàm đối với Trung úy quân nhân chuyên nghiệp?
Theo Điều 9 Thông tư 170/2016/TT-BQP (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 12/2021/TT-BQP) quy định như sau:
Thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, phong, thăng cấp bậc quân hàm; hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm; kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ và cho thôi phục vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
1. Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:
a) Phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp;
b) Nâng lương, chuyển nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương từ 6,80 trở lên; thăng cấp bậc quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp;
c) Nâng loại quân nhân chuyên nghiệp;
d) Nâng lương, chuyển nhóm đối với công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương từ 6,20 trở lên;
đ) Nâng loại công nhân quốc phòng, thăng hạng viên chức quốc phòng;
e) Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp có cấp bậc quân hàm Thượng tá và đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8a, khoản 2 Điều 8b Thông tư này.
2. Thẩm quyền của Tổng Tham mưu trưởng:
a) Thực hiện thẩm quyền của người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng quy định tại khoản 3 Điều này đối với Bộ Tổng Tham mưu và doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng;
b) Quyết định phê duyệt danh sách kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ một năm (đủ 12 tháng) đến không quá 5 năm đối với quân nhân chuyên nghiệp có cấp bậc quân hàm Trung tá trở xuống theo đề nghị của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
3. Thẩm quyền của người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng trừ các doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng:
a) Nâng lương, chuyển nhóm đối với quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương dưới 6,80; thăng cấp bậc quân hàm từ Trung úy đến Trung tá quân nhân chuyên nghiệp;
b) Nâng lương, chuyển nhóm đối với công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,20;
c) Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp có cấp bậc quân hàm Trung tá trở xuống gồm:
- Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ dưới một năm;
- Kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ một năm (đủ 12 tháng) đến không quá 5 năm sau khi có quyết định phê duyệt của Tổng Tham mưu trưởng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
4. Cấp có thẩm quyền thăng cấp bậc quân hàm, nâng lương đến cấp bậc, hệ số mức lương nào thì có thẩm quyền cho hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đến cấp bậc, hệ số mức lương đó.
5. Cấp có thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, thăng quân hàm đến cấp bậc, hệ số mức lương nào thì có thẩm quyền hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm và cho thôi phục vụ tại ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp, cho thôi phục vụ trong quân đội đối với công nhân và viên chức quốc phòng đến cấp bậc, hệ số mức lương đó.
Theo quy định trên thì người chỉ huy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (trừ các doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng) có thẩm quyền thăng cấp bậc quân hàm đối với Trung úy quân nhân chuyên nghiệp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Các yếu tố chi phí đầu vào đại diện để xác định chỉ số giá xây dựng là những chi phí như thế nào?
- Cơ sở dữ liệu về hội là gì? Thông tin trong cơ sở dữ liệu về hội được xác lập từ những nguồn nào?
- Quy đổi vốn đầu tư xây dựng cần phải phản ánh yếu tố nào? Có bao nhiêu phương pháp quy đổi vốn đầu tư xây dựng?
- Thử nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình được thực hiện trước hay sau khi nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng?
- Hợp đồng bảo đảm là gì? Hợp đồng bảo đảm bao gồm hợp đồng nào? Hợp đồng bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ 3?