Trung tâm phát triển quỹ đất là gì? Trung tâm phát triển quỹ đất có cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động như thế nào?
Trung tâm phát triển quỹ đất là gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC định nghĩa về trung tâm phát triển quỹ đất như sau:
Vị trí, chức năng
1. Trung tâm phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác trong lĩnh vực đất đai.
2. Trung tâm phát triển quỹ đất có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được Nhà nước bố trí văn phòng, trang thiết bị làm việc và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Như vậy theo quy định trên trung tâm phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác trong lĩnh vực đất đai.
Trung tâm phát triển quỹ đất là gì? Trung tâm phát triển quỹ đất có cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động như thế nào? (Hình từ Internet)
Trung tâm phát triển quỹ đất có cơ cấu tổ chức như thế nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC quy định như sau:
Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất
Trung tâm phát triển quỹ đất có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh theo quy định.
2. Cơ cấu tổ chức
a) Phòng Hành chính - Tổng hợp;
b) Phòng Kế hoạch - Tài chính;
c) Phòng Bồi thường và Giải phóng mặt bằng;
d) Phòng Quản lý và Phát triển quỹ đất;
đ) Phòng Kỹ thuật và Thông tin đất đai;
e) Các Chi nhánh thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất (không nhất thiết ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đều thành lập Chi nhánh).
Chi nhánh thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là đơn vị hạch toán phụ thuộc; có con dấu riêng và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí văn phòng, trang thiết bị làm việc theo quy định của pháp luật. Chi nhánh có Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc và các viên chức chuyên môn.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm phát triển quỹ đất và các Chi nhánh thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng của Trung tâm phát triển quỹ đất và Giám đốc, Phó Giám đốc Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Số lượng người làm việc của Trung tâm phát triển quỹ đất được giao trên cơ sở danh mục vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế sự nghiệp của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm.
Như vậy theo quy định trên trung tâm phát triển quỹ đất có cơ cấu tổ chức như sau:
- Phòng Hành chính - Tổng hợp;
- Phòng Kế hoạch - Tài chính;
- Phòng Bồi thường và Giải phóng mặt bằng;
- Phòng Quản lý và Phát triển quỹ đất;
- Phòng Kỹ thuật và Thông tin đất đai;
- Các Chi nhánh thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất (không nhất thiết ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đều thành lập Chi nhánh).
Trung tâm phát triển quỹ đất có cơ chế hoạt động như thế nào?
Căn cứ tại Điều 4 Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC quy định cơ chế hoạt động của trung tâm phát triển quỹ đất như sau:
Cơ chế hoạt động
1. Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Nguồn tài chính sử dụng
a) Kinh phí bảo đảm hoạt động thường xuyên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm phát triển quỹ đất (sau khi cân đối với nguồn thu sự nghiệp), theo quy định hiện hành để phù hợp với cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, gồm:
Kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và kinh phí quản lý dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Kinh phí quản lý và khai thác quỹ đất đã thu hồi, nhận chuyển nhượng, tạo lập, phát triển; kinh phí quản lý và khai thác quỹ nhà đất đã xây dựng phục vụ tái định cư theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Phí đấu giá, tiền bán hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết; lãi tiền gửi tổ chức tín dụng.
Các khoản thu từ thực hiện hoạt động dịch vụ theo hợp đồng ký kết và theo quy định của pháp luật.
Các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
c) Nguồn vốn được ứng từ ngân sách nhà nước, từ Quỹ phát triển đất hoặc Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác để thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
d) Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng;
đ) Nguồn vốn từ liên doanh, liên kết để thực hiện các chương trình, phương án, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
e) Nguồn viện trợ, tài trợ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
3. Nội dung chi
a) Chi thường xuyên, gồm: chi hoạt động thường xuyên theo chức năng - nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, chi hoạt động thường xuyên phục vụ cho công tác thu phí, lệ phí của đơn vị, gồm: tiền lương; tiền công; các khoản phụ cấp lương; các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành; dịch vụ công cộng; văn phòng phẩm; các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn; sửa chữa thường xuyên tài sản cố định và các khoản chi khác theo chế độ quy định;
b) Chi hoạt động dịch vụ, gồm: tiền lương; tiền công; các khoản phụ cấp lương; các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành; nguyên, nhiên, vật liệu; khấu hao tài sản cố định; sửa chữa tài sản cố định; chi các khoản thuế phải nộp theo quy định của pháp luật; các khoản chi khác (nếu có);
c) Chi không thường xuyên, gồm:
Chi thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, nhiệm vụ đột xuất được Cấp có thẩm quyền giao. Đối với nhiệm vụ có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành thực hiện theo đơn giá đã được quy định và khối lượng thực tế thực hiện. Đối với nhiệm vụ chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dự toán, thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của nhà nước và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chi khác.
Như vậy theo quy định trên, trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tục Cấp Chứng nhận trường tiểu học đạt kiểm định chất lượng giáo dục từ ngày 25/1/2025 như thế nào?
- Mẫu biên bản bàn giao hàng hóa bán đấu giá trong thương mại? Địa điểm thanh toán tiền mua hàng hóa bán đấu giá là ở đâu?
- Bài phát biểu tất niên xóm, tổ dân phố hay và ý nghĩa 2025? Bài phát biểu tất niên xóm ngắn gọn?
- Lỗi không cài quai mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu đối với người điều khiển xe máy? Bị trừ mấy điểm giấy phép lái xe?
- Mẫu Phiếu khám thai là mẫu nào? Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào? 21 hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh?