Trong thời gian nghỉ phép có được bỏ việc ngang? Bỏ việc ngang có phải là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật?
Bỏ việc ngang có phải là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật không?
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại Điều 39 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 35, 36 và 37 của Bộ luật này.
Theo đó, người lao động chỉ được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi có lý do chính đáng (thuộc các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng) và báo trước cho người sử dụng lao động theo thời hạn quy định. Như vậy, có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp 01: Người lao động bỏ việc ngang thuộc trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và đã báo trước cho người sử dụng lao động (với trường hợp phải báo trước) thì được xác định là đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật.
Trường hợp 02: Người lao động bỏ việc ngang thuộc không thuộc trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và thuộc trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không báo trước cho người sử dụng lao động (với trường hợp phải báo trước) thì được xác định là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.
Trong thời gian nghỉ phép có được bỏ việc ngang? Bỏ việc ngang có phải là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật? (hình từ internet)
Người lao động trong thời gian nghỉ phép thì có được bỏ việc ngang không?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
...
2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
c) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Căn cứ theo Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
...
Căn cứ Điều 39 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 35, 36 và 37 của Bộ luật này.
Từ các quy định trên, trường hợp người lao động đang trong giai đoạn nghỉ việc (bao gồm nghỉ phép, nghỉ lễ, tết, nghỉ không lương, nghỉ hưởng chế độ thai sản, ốm đau,...) nhưng chưa chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp thì xác định giữa người lao động và doanh nghiệp vẫn tồn tại mối quan hệ lao động.
Lúc này, nếu người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì phải thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Để thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động phải đảm bảo thời gian báo trước cho doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Trong trường hợp, kết thúc giai đoạn nghỉ việc, người lao động phải quay lại làm việc nhưng người lao động không quay lại làm việc và cũng không báo trước đúng thời hạn cho doanh nghiệp về việc sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì xác định người lao động đang đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Đối với người lao động thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, nếu người lao động không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì việc người lao động tự ý bỏ việc (nghỉ ngang) sau khi kết thúc giai đoạn nghỉ là trái quy định pháp luật.
Người lao động bỏ việc ngang trái pháp luật phải bồi thường cho công ty những khoản nào?
Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.
Như vậy, người lao động bỏ việc ngang trái pháp luật thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu đơn đề nghị học sát hạch để cấp giấy phép lái xe 2025 theo Thông tư 35/2024 như thế nào?
- Giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng do cơ quan nào chủ trì tổ chức? Chi phí tổ chức giám định do ai chi trả?
- Tích tụ đất nông nghiệp có phải phù hợp với đặc điểm về đất đai? Nhà nước có chính sách gì khi thực hiện tích tụ đất nông nghiệp?
- Quy định về thu hồi giấy phép xe tập lái từ 2025 theo Nghị định 160/2024 thế nào? Giấy phép xe tập lái và thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái ra sao?
- Mạng lưới tư vấn viên là gì? Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới tư vấn viên nhằm mục đích?