Trình tự thủ tục để mở chi nhánh hợp tác xã tại một huyện khác với nơi đặt trụ sở chính thì thực hiện như thế nào?
- Có thể đăng ký mở chi nhánh hợp tác xã tại một huyện khác với nơi đặt trụ sở chính ở đâu?
- Hồ sơ để mở chi nhánh của hợp tác xã tại một huyện khác với nơi đặt trụ sở chính gồm những giấy tờ gì?
- Trình tự thủ tục để mở chi nhánh hợp tác xã tại một huyện khác với nơi đặt trụ sở chính thì thực hiện như thế nào?
Có thể đăng ký mở chi nhánh hợp tác xã tại một huyện khác với nơi đặt trụ sở chính ở đâu?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 193/2013/NĐ-CP như sau:
"Điều 16. Đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
1. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tiến hành đăng ký tại cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
..."
Đồng thời, tại Điều 3 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT quy định:
"Điều 3. Cơ quan đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
1. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của liên hiệp hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đăng ký tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi liên hiệp hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
2. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã đăng ký tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh."
Theo đó, có thể đăng ký mở chi nhánh hợp tác xã đăng ký tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã đặt chi nhánh.
Mở chi nhánh hợp tác xã (Hình từ Internet)
Hồ sơ để mở chi nhánh của hợp tác xã tại một huyện khác với nơi đặt trụ sở chính gồm những giấy tờ gì?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 193/2013/NĐ-CP như sau:
"Điều 16. Đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
...
3. Hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được gửi kèm theo thông báo được quy định tại Khoản 2 Điều này bao gồm:
a) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
b) Nghị quyết của đại hội thành viên về việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
c) Quyết định bằng văn bản của hội đồng quản trị về việc cử người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; kèm theo bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
d) Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định đối với chi nhánh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
Đồng thời tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT cũng có quy định hướng dẫn. Theo đó, hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh hợp tác xã gồm:
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;
- Nghị quyết của đại hội thành viên về việc mở chi nhánh của hợp tác xã;
- Quyết định bằng văn bản của hội đồng quản trị về việc cử người đại diện chi nhánh kèm theo bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện chi nhánh;
Trình tự thủ tục để mở chi nhánh hợp tác xã tại một huyện khác với nơi đặt trụ sở chính thì thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 193/2013/NĐ-CP về đăng ký thành lập chi nhánh hợp tác xã. Trình tự thủ tục để mở chi nhánh hợp tác xã tại một huyện khác như sau:
Bước 1. Người đi đăng ký thành lập chi nhánh hợp tác xã nộp hồ sơ đăng ký gồm các giấy tờ cụ thể nêu trên kèm theo thông báo tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã đặt chi nhánh.
Nội dung thông báo gồm có:
- Tên hợp tác xã, địa chỉ trụ sở chính, số giấy chứng nhận đăng ký, ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;
- Tên chi nhánh; tên phải kèm theo chữ “chi nhánh”;
- Họ tên, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, quốc tịch, số giấy chứng minh nhân dân, số hộ chiếu hoặc chứng thực hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã;
- Địa chỉ chi nhánh;
- Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh;
- Họ tên, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, quốc tịch, số giấy chứng minh nhân dân, số hộ chiếu hoặc chứng thực hợp pháp khác của người đại diện chi nhánh.
Bước 2. Cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ nếu ngành, nghề, nội dung hoạt động của chi nhánh phù hợp với ngành, nghề hoạt động của hợp tác xã và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời cập nhật vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã.
Lưu ý: Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, chi nhánh hợp tác xã được khắc dấu và có quyền sử dụng con dấu của mình.
Trường hợp hợp tác xã lập chi nhánh tại huyện khác với nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký hợp tác xã.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy mới nhất? Hướng dẫn viết bản nhận xét đánh giá cán bộ của cấp ủy chi tiết?
- Có thể xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu?
- Phê bình người có hành vi bạo lực gia đình có phải là một biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình?
- Mẫu biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng? Cách viết mẫu biên bản hội đồng thi đua khen thưởng?
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?