Trình tự thủ tục đăng ký tên thương mại? Bảo hộ tên thương mại được quy định như thế nào?
Tên thương mại là gì? Nhãn hiệu là gì?
Để xác định trường hợp công ty nên làm thủ tục gì, thì trước tiên cần phân biệt giữa hai khái niệm tên thương mại - nhãn hiệu. Căn cứ Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009):
"16. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
...
21. Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.”
Như vậy nhãn hiệu thông thường sẽ là dấu hiệu để nhận biết hàng hóa/ sản phẩm/ dịch vụ trên thị trường. Còn tên thương mại là dấu hiệu phân biệt các tổ chức, cá nhân với nhau. Một tổ chức có thể đăng ký sở hữu nhiều nhãn hiệu, tương ứng với nhiều mặt hàng sản phẩm/ dịch vụ; tuy nhiên chỉ có duy nhất một tên thương mại.
Trường hợp của chị, "Công ty TNHH Trung tâm Y khoa PA (HE)" theo đó, chúng tôi hiểu là chị đang đề cập đến tên của doanh nghiệp (PA - HE), chính là tên thương mại.
Điều kiện bảo hộ với tên thương mại
Chị tham khảo các quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005, cụ thể:
Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ như sau:
"Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ
3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:
b) Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;”
Điều 76 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ:
Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Theo Điều 77 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại
Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.
Và tại Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 khả năng phân biệt của tên thương mại, cụ thể:
Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Như vậy, theo quy định thì quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại sẽ được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó, không cần phải đăng ký tên thương mại, cho nên không đặt ra thủ tục đăng ký. Chỉ cần đáp ứng điều kiện bảo hộ theo quy định thì khi sử dụng tên thương mại này sẽ được bảo hộ.
Bảo hộ tên thương mại
Hành vi xâm phạm tên thương mại
Căn cứ tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý như sau:
- Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
+ Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
+ Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
+ Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
+ Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
- Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
- Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:
+ Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
+ Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;
+ Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;
+ Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.
Đồng thời tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định:
"3. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký".
Như vậy đối với tên thương mại thì không cần phải đăng ký mà sẽ được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp, lâu dài, ổn định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viết đoạn văn kể lại một lần em làm việc nhà được cha mẹ khen hay nhất? Nhiệm vụ của học sinh tiểu học mới nhất là gì?
- 03 Mẫu biên bản sinh hoạt chi bộ hàng tháng năm 2025 mới nhất? Mẫu biên bản sinh hoạt chi bộ mới nhất 2025 hàng tháng?
- Ngày 7 tháng 1 là ngày gì? Ngày 7 tháng 1 dương lịch là ngày bao nhiêu âm lịch? Ngày 7 tháng 1 có phải lễ lớn?
- Giải quyết khiếu nại về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo Nghị định 147 như thế nào?
- 03 loại sân tập lái để sát hạch lái xe mô tô theo Nghị định 160/2024 ra sao? Điều kiện về cơ sở vật chất và kỹ thuật của sân tập lái thế nào?