Trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế là gì? Trách nhiệm gửi văn bản điều ước quốc tế sau khi ký được quy định ra sao?
Trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế là gì?
Theo khoản 11 Điều 2 Luật Điều ước quốc tế 2016 thì trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế được hiểu là việc trao đổi thư, công hàm hoặc văn kiện có tên gọi khác tạo thành điều ước quốc tế hai bên giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Trong đó, Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác. (Theo khoản 1 Điều 2 Luật Điều ước quốc tế 2016)
Và theo quy định tại Điều 27 Luật Điều ước quốc tế 2016 thì việc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định từ Điều 8 đến Điều 26 Luật Điều ước quốc tế 2016.
Trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế là gì? Trách nhiệm gửi văn bản điều ước quốc tế sau khi ký được quy định ra sao? (hình từ Internet)
Trách nhiệm gửi văn bản điều ước quốc tế sau khi ký được quy định ra sao?
Căn cứ theo Điều 26 Luật Điều ước quốc tế 2016 có quy định cụ thể về trách nhiệm gửi văn bản điều ước quốc tế sau khi ký như sau:
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày điều ước quốc tế hai bên được ký ở trong nước hoặc kể từ ngày đoàn ký điều ước quốc tế ở nước ngoài về nước, cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Ngoại giao:
+ Bản chính điều ước quốc tế;
+ Bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;
+ Bản ghi điện tử nội dung điều ước quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài;
+ Giấy ủy quyền hoặc bằng chứng về việc đại diện của phía nước ngoài có đủ thẩm quyền ký điều ước quốc tế.
- Trong trường hợp người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế ký điều ước quốc tế thì người ký có trách nhiệm báo cáo, gửi ngay bản sao điều ước quốc tế đã ký cho Bộ Ngoại giao và bản chính điều ước quốc tế đến cơ quan đề xuất.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được bản chính điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.
- Cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Ngoại giao bản sao điều ước quốc tế nhiều bên đã được cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên chứng thực, cung cấp hoặc công bố, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, bản ghi điện tử nội dung điều ước quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày điều ước quốc tế được ký ở trong nước hoặc kể từ ngày đoàn ký điều ước quốc tế ở nước ngoài về nước.
Trường hợp có những thay đổi liên quan đến danh nghĩa ký điều ước quốc tế thì xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 24 Luật Điều ước quốc tế 2016 quy định như sau:
Ký điều ước quốc tế
1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục ký và văn bản điều ước quốc tế, tổ chức ký điều ước quốc tế theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
2. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã quyết định cho ký điều ước quốc tế nhưng chưa thể tổ chức ký thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm kịp thời báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý với Chính phủ, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao để phối hợp.
3. Trong trường hợp có những thay đổi liên quan đến danh nghĩa ký, quyền, nghĩa vụ của bên Việt Nam, quy định trái hoặc chưa được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, quy định trái pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc có những thay đổi cơ bản so với nội dung văn bản điều ước quốc tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký thì cơ quan đề xuất phải trình lại về việc ký điều ước quốc tế theo quy định tại Mục 2 của Chương này.
4. Chủ tịch nước, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ký điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội.
Như vậy, theo quy định thì trong trường hợp có những thay đổi liên quan đến danh nghĩa ký điều ước quốc tế thì cơ quan đề xuất phải trình lại về việc ký điều ước quốc tế theo quy định tại Mục 2 Chương II Luật Điều ước quốc tế 2016.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bảng kê sản phẩm gỗ xuất khẩu mới nhất là mẫu nào? Tải về Mẫu bảng kê sản phẩm gỗ xuất khẩu tại đâu?
- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn nào? Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được ước tính ra sao?
- Bộ luật Tố tụng dân sự mới nhất hiện nay quy định những gì? Nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng dân sự?
- Phân loại, điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác từ 1/7/2025 ra sao?
- Mức đầu tư để trường mầm non tư thục hoạt động giáo dục ít nhất là bao nhiêu? Hồ sơ cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục?