Tổ chức tín dụng tạm ngừng hoạt động kinh doanh thì phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đúng không?
- Tổ chức tín dụng tạm ngừng hoạt động kinh doanh thì phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đúng không?
- Tạm ngừng hoạt động kinh doanh khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì tổ chức tín dụng bị xử phạt thế nào?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng tạm ngừng hoạt động kinh doanh khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận là bao lâu?
Tổ chức tín dụng tạm ngừng hoạt động kinh doanh thì phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đúng không?
Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 về những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận như sau:
Những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện các thủ tục thay đổi một trong những nội dung sau đây:
...
e) Tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 05 ngày làm việc trở lên, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động do sự kiện bất khả kháng.
...
Theo quy định trên, tổ chức tín dụng tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 05 ngày làm việc trở lên thì phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi tạm dừng, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động do sự kiện bất khả kháng.
Tổ chức tín dụng tạm ngừng hoạt động kinh doanh thì phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đúng không? (Hình từ Internet)
Tạm ngừng hoạt động kinh doanh khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì tổ chức tín dụng bị xử phạt thế nào?
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm a khoản 7 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản như sau:
Vi phạm quy định về những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản
...
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với việc thực hiện một trong các hành vi sau đây khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:
a) Thay đổi tên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 05 ngày làm việc trở lên, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động do sự kiện bất khả kháng;
c) Thành lập chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước; thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài của tổ chức tín dụng; khai trương hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước, phòng giao dịch bưu điện.
...
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả
...
3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:
...
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
...
Theo quy định trên, tổ chức tín dụng tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 05 ngày làm việc trở lên khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
Tuy nhiên, trong trường hợp tổ chức tín dụng tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 05 ngày làm việc trở lên do sự kiện bất khả kháng thì tổ chức tín dụng này sẽ không bị xử phạt mặc dù tạm dừng khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng tạm ngừng hoạt động kinh doanh khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận là bao lâu?
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 05 ngày làm việc trở lên khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản (trừ trường hợp bất khả kháng) là 01 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật Hình sự 2015 có khung hình phạt như thế nào?
- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 đã quyết nghị lấy ngày 3 2 làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?
- Mừng thọ 70 tuổi gọi là gì? Cách tổ chức lễ mừng thọ 70 tuổi theo Thông tư 06 chi tiết, cụ thể?
- Mẫu Đơn đề nghị hoàn tiền trúng đấu giá biển số xe mới nhất hiện nay? Trường hợp nào hoàn tiền trúng đấu giá biển số xe?
- Mẫu Quy chế làm việc của chi ủy chi bộ cơ sở mới nhất là mẫu nào? Chi ủy, chi bộ cơ sở họp thường lệ mấy tháng một lần?