Tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trả phiếu kết quả quan trắc không đánh số thứ tự thì có bị phạt không?
- Phiếu kết quả quan trắc môi trường có bắt buộc đánh số thứ tự không?
- Tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trả phiếu kết quả quan trắc không đánh số thứ tự thì có bị phạt không?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trả phiếu kết quả quan trắc không đánh số thứ tự không?
Phiếu kết quả quan trắc môi trường có bắt buộc đánh số thứ tự không?
Căn cứ khoản 5 Điều 95 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về thông tin phiếu kết quả quan trắc như sau:
Trách nhiệm của tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường
...
5. Thông tin phiếu kết quả quan trắc:
a) Tên của tổ chức;
b) Tên khách hàng trả phiếu;
c) Số giấy chứng nhận VIMCERTS đã được cấp;
d) Ngày, tháng, năm xuất phiếu;
đ) Ký hiệu của phiếu: Trong ký hiệu phải có đánh số thứ tự theo năm và số năm. Số thứ tự được ký hiệu bắt đầu từ thời điểm xuất phiếu đầu tiên của năm dương lịch và kết thúc tại phiếu xuất cuối cùng của năm, bảo đảm đúng trình tự thời gian xuất phiếu. Tổ chức có thể bổ sung thêm các bộ ký hiệu riêng trong phần ký hiệu của phiếu để phục vụ việc phân loại, quản lý nội bộ trong tổ chức nhưng phải bảo đảm quy tắc đánh số thứ tự các phiếu theo đúng trình tự thời gian xuất phiếu;
e) Kết quả phân tích: thông số, phương pháp sử dụng, kết quả đo và quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc thông số kỹ thuật đối chiếu (nếu có);
g) Trường hợp thuê tổ chức khác thực hiện quan trắc đối với thông số mà mình không được chứng nhận thì phải ghi chú rõ tên tổ chức thực hiện kèm theo phiếu kết quả quan trắc do tổ chức đó cung cấp;
h) Tổ chức phải có sổ hoặc hệ thống theo dõi các phiếu kết quả quan trắc trả cho khách hàng được xuất ra, trong đó tối thiểu phải có các thông tin: ký hiệu phiếu, bao gồm số thứ tự phiếu; ngày, tháng, năm xuất phiếu và tên khách hàng trả phiếu.
...
Theo đó, phiếu kết quả quan trắc phải có thông tin về ký hiệu của phiếu.
Và trong ký hiệu phải có đánh số thứ tự theo năm và số năm. Số thứ tự được ký hiệu bắt đầu từ thời điểm xuất phiếu đầu tiên của năm dương lịch và kết thúc tại phiếu xuất cuối cùng của năm, bảo đảm đúng trình tự thời gian xuất phiếu.
Quan trắc môi trường (Hình từ Internet)
Tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trả phiếu kết quả quan trắc không đánh số thứ tự thì có bị phạt không?
Mức xử phạt đối với tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trả phiếu kết quả quan trắc không đánh số thứ tự được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 17 Nghị định 45/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm các quy định về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường
...
3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không duy trì đầy đủ điều kiện về nhân lực (số lượng cán bộ chuyên trách thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường, số lượng cán bộ chuyên trách thực hiện hoạt động phân tích môi trường, người quản lý phòng thí nghiệm, người phụ trách bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng) thực hiện quan trắc môi trường đối với các thông số được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;
b) Phiếu trả kết quả quan trắc không đánh số thứ tự, ký hiệu, không đủ thông tin theo quy định.
...
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
...
2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo quy định trên, tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trả phiếu kết quả quan trắc không đánh số thứ tự có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trả phiếu kết quả quan trắc không đánh số thứ tự không?
Theo khoản 2 Điều 56 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
...
Căn cứ khoản 3 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt như sau:
Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
...
3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ Điều 56 đến Điều 67 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.
...
Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường với mức phạt tiền tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và tối đa 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Do tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trả phiếu kết quả quan trắc không đánh số thứ tự có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 160.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt tổ chức này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nhà thầu phải gửi đơn kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu thông qua bộ phận thường trực đến người có thẩm quyền trong thời hạn bao lâu?
- Quy trình xử lý văn bản hồ sơ công việc trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được thiết kế như thế nào?
- Hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe từ 01/01/2025 thế nào?
- Cá nhân đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng có được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất?
- Cơ quan nhà nước phải cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình khi nào? Công tác quản trị nội bộ trên môi trường điện tử gồm những hoạt động nào?