Tổ chức Công đoàn có mấy cấp? Thủ tục gia nhập tổ chức Công đoàn được thực hiện như thế nào?
Tổ chức Công đoàn có mấy cấp?
Căn cứ tại Điều 7 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định như sau:
Hệ thống tổ chức công đoàn các cấp
Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, có các cấp sau đây:
1. Cấp Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng Liên đoàn).
2. Cấp tỉnh, ngành trung ương gồm: Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công đoàn ngành trung ương và tương đương.
3. Cấp trên trực tiếp cơ sở gồm:
a. Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là liên đoàn lao động cấp huyện);
b. Công đoàn ngành địa phương;
c. Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp);
d. Công đoàn tổng công ty;
đ. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác.
4. Cấp cơ sở gồm: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (sau đây gọi chung là công đoàn cơ sở).
Theo đó, hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam bao gồm 4 cấp:
- Cấp Trung ương.
- Cấp tỉnh, ngành trung ương.
- Cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Cấp cơ sở.
Tổ chức Công đoàn có mấy cấp? Thủ tục gia nhập tổ chức Công đoàn được thực hiện như thế nào? (Hình từ internet)
Thủ tục gia nhập tổ chức Công đoàn được thực hiện như thế nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định:
Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam, thẻ đoàn viên và chuyển sinh hoạt công đoàn
1. Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam
a. Người lao động phải có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
b. Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở xem xét, quyết định công nhận hoặc kết nạp đoàn viên công đoàn.
c. Nơi chưa có tổ chức công đoàn, người lao động nộp đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam thông qua ban vận động thành lập công đoàn cơ sở theo quy định tại Điều 14 Điều lệ này, hoặc nộp đơn cho công đoàn cấp trên để được xem xét gia nhập Công đoàn Việt Nam.
d. Đoàn viên đã ra khỏi tổ chức công đoàn, nếu tiếp tục có nguyện vọng gia nhập Công đoàn Việt Nam thì phải có đơn xin gia nhập lại tổ chức Công đoàn, do công đoàn cấp trên xem xét kết nạp lại.
2. Thẻ đoàn viên
a. Thẻ đoàn viên là sự xác nhận tư cách đoàn viên của tổ chức công đoàn với một cá nhân cụ thể.
b. Người là đoàn viên công đoàn được tổ chức công đoàn phát thẻ đoàn viên để sử dụng trong các hoạt động công đoàn. Người có thẻ đoàn viên được hưởng các quyền và lợi ích theo quy định của các cấp công đoàn.
c. Việc quản lý và sử dụng thẻ thực hiện theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
3. Chuyển sinh hoạt công đoàn
Khi thay đổi nơi làm việc, đoàn viên thông báo với công đoàn cơ sở nơi sinh hoạt hoặc nghiệp đoàn cơ sở nơi đang sinh hoạt về việc chuyển sinh hoạt công đoàn; trình thẻ công đoàn và bày tỏ nguyện vọng sinh hoạt công đoàn đối với ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc nghiệp đoàn cơ sở nơi đến, để được tiếp tục sinh hoạt.
Ban chấp hành công đoàn nơi sinh hoạt cũ của đoàn viên gạch tên và ghi giảm số lượng; ban chấp hành công đoàn nơi sinh hoạt mới bổ sung tên và ghi tăng số lượng.
Như vậy, thủ tục gia nhập tổ chức Công đoàn được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Bước 2: Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở xem xét, quyết định công nhận hoặc kết nạp đoàn viên công đoàn.
Lưu ý:
- Nơi chưa có tổ chức công đoàn, người lao động nộp đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam thông qua ban vận động thành lập công đoàn cơ sở hoặc nộp đơn cho công đoàn cấp trên để được xem xét gia nhập Công đoàn Việt Nam.
- Đoàn viên đã ra khỏi tổ chức công đoàn, nếu tiếp tục có nguyện vọng gia nhập Công đoàn Việt Nam thì phải có đơn xin gia nhập lại tổ chức Công đoàn, do công đoàn cấp trên xem xét kết nạp lại.
Đối tượng nào được gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam theo quy định?
Căn cứ tại khoản 3.1 Điều 3 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 quy định như sau:
Đối tượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam theo Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam
3.1. Đối tượng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam
Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm:
a. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đối với cơ quan xã, phường, thị trấn bao gồm những người hưởng lương, định suất lương, phụ cấp, đang làm việc trong cơ quan hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.
b. Người lao động làm công hưởng lương đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã.
c. Người lao động đang làm việc trong các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
d. Người lao động tự do, hợp pháp thuộc khu vực lao động phi chính thức, nếu có nguyện vọng, được gia nhập Công đoàn Việt Nam và được sinh hoạt theo hình thức nghiệp đoàn cơ sở.
đ. Người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
...
Như vậy, đối tượng được gia nhập Công đoàn Việt Nam là đối tượng thuộc một trong các trường hợp nêu trên làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?
- Xe gắn máy có thuộc đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định hiện nay không?
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?
- Hướng dẫn lập Bảng cân đối tài khoản kế toán hợp tác xã chi tiết? Quyền của hợp tác xã được quy định như thế nào?