Tiền dùng vào việc bảo quản, nâng cấp tài sản của Công ty Quản lý tài sản có được tính là chi phí kinh doanh của tổ chức này hay không? Nguyên tắc ghi nhận chi phí được quy định thế nào?
Tiền dùng cho việc nâng cấp, bảo quản tài sản có phải là chi phí kinh doanh của Công ty Quản lý tài sản hay không?
Chi phí nâng cấp, bảo quản tài sản của Công ty Quản lý tài sản
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 01/2017/TT-BTC và khoản 2 Điều 23 Nghị định 53/2013/NĐ-CP, chi phí kinh doanh của Công ty Quản lý tài sản gồm những khoản sau:
- Chi phí mua nợ;
- Chi phí đòi nợ;
- Chi phí tư vấn, môi giới mua, bán, xử lý nợ và tài sản;
- Chi phí cho hoạt động bán nợ, bán cổ phần và chuyển nhượng vốn góp;
- Chi phí bảo quản, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp tài sản;
- Chi phí trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường; cho khoản đầu tư, cung cấp tài chính và bảo lãnh quy định tại Khoản 3, 4 Điều 17 Nghị định này.
- Chi tiền lương, tiền thưởng, chi phụ cấp cho cán bộ, nhân viên theo quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều này;
- Chi phí đấu giá tài sản;
- Chi phí quản lý công ty;
- Chi trả lãi tiền vay;
- Chi phí về tài sản;
- Các khoản chi khác.
Căn cứ những khoản nêu trên, có thể thấy chi phí bảo quản, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp tài sản được xem là một trong những chi phí kinh doanh của Công ty Quản lý tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nguyên tắc ghi nhận chi phí của Công ty Quản lý tài sản?
Công ty Quản lý tài sản tiến hành ghi nhận chi phí dựa trên những nguyên tắc khác nhau tương ứng với từng khoản chi phí, cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 01/2017/TT-BTC như sau:
(1) Đối với chi phí mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường được hạch toán khi có phát sinh thu nhập từ việc xử lý khoản nợ xấu như sau:
a) Trường hợp khoản nợ được thu hồi nhiều lần:
- Trường hợp doanh thu thu được trong kỳ từ việc xử lý nợ (thu nợ từ khách nợ; bán nợ; khai thác, bán tài sản đảm bảo của khoản nợ) lớn hơn hoặc bằng chi phí mua khoản nợ: thực hiện kết chuyển toàn bộ chi phí mua khoản nợ vào chi phí trong kỳ.
- Trường hợp doanh thu thu được trong kỳ từ việc xử lý nợ (thu nợ từ khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ và bên bảo đảm; bán nợ; khai thác, bán tài sản đảm bảo của khoản nợ) nhỏ hơn chi phí mua khoản nợ:
Thực hiện kết chuyển một phần chi phí mua khoản nợ vào chi phí trong kỳ với mức bằng số tiền thực tế thu được từ việc xử lý khoản nợ.
Khi khoản nợ tiếp tục được thu hồi thì phần chi phí mua khoản nợ được tiếp tục kết chuyển vào chi phí theo nguyên tắc nêu trên.
Khi phần còn lại cuối cùng của khoản nợ được thu hồi thì kết chuyển toàn bộ phần chi phí mua khoản nợ còn lại vào chi phí trong kỳ.
b) Trường hợp khoản nợ được thu hồi một lần: thực hiện kết chuyển toàn bộ chi phí mua khoản nợ đó vào chi phí trong kỳ tại thời điểm thu hồi được nợ.
(2) Đối với chi phí cho việc sửa chữa, nâng cấp tài sản:
a) Đối với trường hợp khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường: VAMC được hạch toán chi phí ứng trước (chi tiết theo từng khoản nợ) tương ứng với chi phí cho việc sửa chữa, nâng cấp tài sản. Khi bán được tài sản hoặc thu hồi được khoản nợ xấu gắn với tài sản hoặc thu được tiền từ việc khai thác tài sản thì số tiền thu được phải hạch toán doanh thu, đồng thời việc tất toán khoản chi phí ứng trước tương ứng với chi phí VAMC đã sử dụng để sửa chữa, nâng cấp tài sản thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Đối với trường hợp khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt: VAMC được hạch toán chi phí ứng trước (chi tiết theo từng khoản nợ) tương ứng với chi phí cho việc sửa chữa, nâng cấp tài sản. Khi bán được tài sản hoặc thu hồi được khoản nợ xấu gắn với tài sản hoặc thu được tiền từ việc khai thác tài sản VAMC thực hiện tất toán dần khoản phải thu tương ứng với chi phí VAMC đã sử dụng để sửa chữa, nâng cấp tài sản.
(3) Đối với các khoản chi khác (bao gồm chi phí đòi nợ; chi phí tư vấn, môi giới mua, bán, xử lý nợ và tài sản; chi phí cho hoạt động bán nợ, bán cổ phần và chuyển nhượng vốn góp; chi phí trích lập dự phòng rủi ro; chi tiền lương, tiền thưởng, chi phụ cấp cho cán bộ, nhân viên; chi phí đấu giá tài sản; chi phí quản lý công ty; chi trả lãi tiền vay; chi phí về tài sản và các khoản chi khác): VAMC chỉ ghi nhận vào chi phí những khoản phải chi thực tế phát sinh căn cứ vào hóa đơn chứng từ hợp lý, hợp lệ của từng khoản chi.
Có thể thấy, pháp luật có sự quy định rõ ràng về nguyên tắc ghi nhận chi phí đối với từng khoản chi của Công ty Quản lý tài sản.
Những khoản chi nào không được tính là chi phí kinh doanh của Công ty Quản lý tài sản?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 01/2017/TT-BTC, Công ty Quản lý tài sản không tính những khoản sau vào chi phí kinh doanh, gồm:
- Các khoản chi không liên quan đến hoạt động kinh doanh của VAMC.
- Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính mà cá nhân phải nộp phạt theo quy định của pháp luật.
- Các khoản chi không có chứng từ hợp lệ.
- Các khoản đã hạch toán chi nhưng thực tế không chi trả.
- Các khoản chi do các nguồn kinh phí khác đài thọ.
- Các khoản chi không hợp lý, hợp lệ khác.
Như vậy, pháp luật hiện hành quy định cụ thể những khoản được tính vào chi phí kinh doanh của Công ty Quản lý tài chính, trong đó có khoản chi cho việc sửa chữa, bảo quản tài sản công ty. Ngoài ra, việc ghi nhận chi phí cũng được thực hiện dựa trên những nguyên tắc cụ thể và có sự khác nhau tùy vào từng khoản chi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi điều chỉnh hợp đồng có được điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng mà các bên đã thỏa thuận không?
- Hộ gia đình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất có được miễn điều chỉnh giấy phép kinh doanh không?
- Thủ tục quyết định đầu tư dự án mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ thuộc cơ quan trung ương quản lý ra sao?
- Mẫu sơ yếu lý lịch cá nhân mới nhất theo Nghị định 126 là mẫu nào? Tải về Mẫu sơ yếu lý lịch cá nhân ở đâu?
- Mẫu biên bản họp đại hội đồng cổ đông về việc chia công ty thế nào? Tải về mẫu biên bản họp đại hội đồng cổ đông?