Thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước vượt định mức quy định bị xử lý ra sao?
Trường hợp nào được thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước?
Thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước
Khoản 1 Điều 32 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định những trường hợp thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước như sau:
Cơ quan nhà nước được thuê tài sản phục vụ hoạt động khi chưa có tài sản hoặc còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Nhà nước không có tài sản để giao theo quy định tại Điều 29 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và không thuộc trường hợp khoán kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017;
Trong đó, tài sản được Nhà nước giao cho cơ quan nhà nước sử dụng trong trường hợp thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức gồm:
+ Tài sản do Nhà nước đầu tư xây dựng, mua sắm;
+ Tài sản thu hồi theo quy định tại Điều 41 của Luật này;
+ Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước quy định tại Mục 1 Chương VI của Luật này;
+ Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân quy định tại Mục 2 Chương VI của Luật này;
+ Đất được giao để xây dựng trụ sở theo quy định của pháp luật về đất đai;
+ Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
- Sử dụng tài sản trong thời gian ngắn hoặc sử dụng không thường xuyên;
- Việc thuê tài sản hiệu quả hơn so với việc đầu tư xây dựng, mua sắm.
Ai có thẩm quyền quyết định thuê tài sản?
Thẩm quyền quyết định thuê tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 151/2017/NĐ-CP như sau:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương;
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Tùy vào phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước sử dụng tài sản mà pháp luật có quy định khác nhau về cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với việc thuê tài sản.
Trình tự thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được quy định như thế nào?
Khoản 2, 3 và 4 Điều 4 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định như sau:
- Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, cơ quan nhà nước lập 01 bộ hồ sơ gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để tổng hợp, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này xem xét, quyết định.
Hồ sơ đề nghị thuê tài sản gồm:
+ Văn bản đề nghị của cơ quan nhà nước có nhu cầu thuê tài sản: 01 bản chính;
+ Văn bản đề nghị của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính;
+ Danh mục tài sản đề nghị thuê (chủng loại, số lượng, dự toán tiền thuê, nguồn kinh phí): 01 bản chính;
+ Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị thuê tài sản (nếu có): 01 bản sao.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này xem xét, quyết định việc thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị thuê tài sản không phù hợp. Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm có ý kiến bằng văn bản về sự cần thiết thuê tài sản, sự phù hợp của đề nghị thuê tài sản với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trước khi cơ quan, người có thẩm quyền quyết định trong trường hợp việc thuê tài sản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Nội dung chủ yếu của Quyết định thuê tài sản gồm:
+ Tên cơ quan nhà nước được thuê tài sản;
+ Danh mục tài sản được thuê (chủng loại, số lượng, dự toán tiền thuê, nguồn kinh phí);
+ Phương thức thuê;
+ Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
- Việc bố trí dự toán ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện thuê tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan. Việc tổ chức thực hiện thuê tài sản theo phương thức tập trung được thực hiện theo quy định tại Chương VI Nghị định này.
Thuê tài sản vượt định mức quy định bị xử lý ra sao?
Điều 7 Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thuê tài sản vượt định mức như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về đi thuê tài sản trong trường hợp hợp đồng thuê tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng đối với hành vi đi thuê tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về thuê tài sản nêu tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hợp đồng thuê tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số tiền đã thuê tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức đối với hành vi trên.
- Giá trị hợp đồng đi thuê tài sản để làm căn cứ xử phạt được xác định như sau:
+ Trường hợp hợp đồng đi thuê tài sản ghi cụ thể giá trị hợp đồng thì căn cứ xử phạt là giá trị ghi trong hợp đồng;
+ Trường hợp đi thuê tài sản mà không lập thành hợp đồng hoặc có lập hợp đồng nhưng không đủ thông tin để xác định giá trị theo quy định tại khoản a điểm này thì giá trị làm căn cứ xử phạt xác định bằng giá đi thuê của tài sản cùng loại hoặc có tiêu chuẩn, kỹ thuật tương đương trên thị trường tại thời điểm xảy ra vi phạm nhân với (x) thời hạn đi thuê tài sản tính từ thời điểm bắt đầu đi thuê đến thời điểm ra quyết định xử phạt hành chính.
Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 29, Điều 30 Nghị định này xác định giá trị làm căn cứ xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và chịu trách nhiệm về việc xác định đó.
Ngoài ra, cần lưu ý thêm về mức tiền xử phạt áp dụng đối với tổ chức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 được quy định tại Điều 5 Nghị định 63/2019/NĐ-CP:
"Điều 5. Áp dụng mức phạt tiền
Mức phạt tiền quy định tại mục 1, mục 2, mục 3 và mục 4 Chương II, mục 1 Chương III, mục 1 Chương IV, mục 1 và mục 2 Chương V Nghị định này là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức; cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (trừ quy định tại Điều 17, Điều 23, Điều 27 Nghị định này)."
Như vậy, việc thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định, trình tự thuê, căn cứ xác định giá trị tài sản thuê. Trường hợp thuê tài sản vượt định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Trường hợp đối tượng vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền sẽ bằng 02 lần so với mức phạt áp dụng với cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân gây rối loạn lượng cực? Rối loạn lượng cực có tái phát không?
- Trường cao đẳng sư phạm trung ương trực thuộc cơ quan nào? Nội dung quy chế tổ chức của trường cao đẳng sư phạm trung ương?
- Tranh chấp hợp đồng dân sự là gì? Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm tranh chấp hợp đồng dân sự?
- Quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng sư phạm phải được lấy ý kiến rộng rãi từ những ai?
- Caption giáng sinh ngắn? Caption noel ý nghĩa? Lễ Giáng sinh người lao động nước ngoài có được nghỉ làm không?