Thu nhập khác của doanh nghiệp là gì? Lưu ý khi trình bày báo cáo tài chính doanh nghiệp có phát sinh thu nhập khác?
Thu nhập khác theo Chuẩn mực kế toán số 14 là gì?
Tại Mục 3 Chuẩn mực kế toán số 14 Ban hành và công bố theo Quyết định 149/2001/QĐ-BTC có giải thích về thu nhập khác của doanh nghiệp như sau:
03. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:
Doanh thu: Là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu.
Chiết khấu thương mại: Là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.
Giảm giá hàng bán: Là khoản giảm trừ cho người mua do hàng hóa kém phẩm chất, sai quy cách hoặc lạc hậu thị hiếu.
Giá trị hàng bán bị trả lại: Là giá trị khối lượng hàng bán đã xác định là tiêu thụ bị khách hàng trả lại và từ chối thanh toán.
Chiết khấu thanh toán: Là khoản tiền người bán giảm trừ cho người mua, do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng.
Thu nhập khác: Là khoản thu góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu từ hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu.
Giá trị hợp lý: Là giá trị tài sản có thể trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá.
Theo đó, thu nhập khác được hiểu là khoản thu góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu từ hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu.
Thu nhập khác của doanh nghiệp là gì? Lưu ý khi trình bày báo cáo tài chính doanh nghiệp có phát sinh thu nhập khác? (hình từ internet)
Thu nhập khác theo Chuẩn mực kế toán số 14 gồm những khoản thu nào?
Thu nhập khác theo Chuẩn mực kế toán số 14 gồm những khoản thu được nêu tại Mục 30, 31, 32, và 33 Chuẩn mực kế toán số 14 Ban hành và công bố theo Quyết định 149/2001/QĐ-BTC, cụ thể gồm:
(1) Các khoản thu từ các hoạt động xảy ra không thường xuyên, ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu, gồm:
- Thu về thanh lý TSCĐ, nhượng bán TSCĐ;
- Thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng;
- Thu tiền bảo hiểm được bồi thường;
- Thu được các khoản nợ phải thu đã xóa sổ tính vào chi phí kỳ trước;
- Khoản nợ phải trả nay mất chủ được ghi tăng thu nhập;
- Thu các khoản thuế được giảm, được hoàn lại;
- Các khoản thu khác.
(2) Khoản thu về thanh lý TSCĐ, nhượng bán TSCĐ là tổng số tiền đã thu và sẽ thu được của người mua từ hoạt động thanh lý, nhượng bán TSCĐ. Các chi phí về thanh lý, nhượng bán TSCĐ được ghi nhận là chi phí để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ.
(3) Thu được các khoản nợ phải thu đã xóa sổ tính vào chi phí của kỳ trước là khoản nợ phải thu khó đòi, xác định là không thu hồi được, đã được xử lý xóa sổ và tính vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh trong các kỳ trước nay thu hồi được.
(4) Khoản nợ phải trả nay mất chủ là khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ hoặc chủ nợ không còn tồn tại.
Khi trình bày báo cáo tài chính doanh nghiệp có phát sinh các khoản thu nhập khác thì cần lưu ý gì?
Tại Mục 34 Chuẩn mực kế toán số 14 Ban hành và công bố theo Quyết định 149/2001/QĐ-BTC quy định như sau:
34. Trong báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải trình bày:
(a) Chính sách kế toán được áp dụng trong việc ghi nhận doanh thu bao gồm phương pháp xác định phần công việc đã hoàn thành của các giao dịch về cung cấp dịch vụ;
(b) Doanh thu của từng loại giao dịch và sự kiện:
- Doanh thu bán hàng;
- Doanh thu cung cấp dịch vụ;
- Tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức và lợi nhuận được chia.
(c) Doanh thu từ việc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ theo từng loại hoạt động trên.
(d) Thu nhập khác, trong đó trình bày cụ thể các khoản thu nhập bất thường.
Như vậy, khi trình bày báo cáo tài chính doanh nghiệp có phát sinh các khoản thu nhập khác thì cần đảm bảo trình bày cụ thể các khoản thu nhập bất thường.
Lưu ý:
Chuẩn mực kế toán số 14 Ban hành và công bố theo Quyết định 149/2001/QĐ-BTC áp dụng trong kế toán các khoản doanh thu và thu nhập khác phát sinh từ các giao dịch và nghiệp vụ sau:
(1) Bán hàng: Bán sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra và bán hàng hóa mua vào;
(2) Cung cấp dịch vụ: Thực hiện công việc đã thỏa thuận theo hợp đồng trong một hoặc nhiều kỳ kế toán;
(3) Tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức và lợi nhuận được chia.
Tiền lãi: Là số tiền thu được phát sinh từ việc cho người khác sử dụng tiền, các khoản tương đương tiền hoặc các khoản còn nợ doanh nghiệp, như: Lãi cho vay, lãi tiền gửi, lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu, chiết khấu thanh toán...;
Tiền bản quyền: Là số tiền thu được phát sinh từ việc cho người khác sử dụng tài sản, như: Bằng sáng chế, nhãn hiệu thương mại, bản quyền tác giả, phần mềm máy vi tính...;
Cổ tức và lợi nhuận được chia: Là số tiền lợi nhuận được chia từ việc nắm giữ cổ phiếu hoặc góp vốn.
(5) Các khoản thu nhập khác ngoài các giao dịch và nghiệp vụ tạo ra doanh thu kể trên (Nội dung các khoản thu nhập khác quy định tại đoạn 30).
Chuẩn mực này không áp dụng cho kế toán các khoản doanh thu và thu nhập khác được quy định ở các chuẩn mực kế toán khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 23 nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự? Tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có bao gồm tranh chấp đất đai?
- Người tham gia đấu giá tài sản có quyền khiếu nại đối với quyết định của Hội đồng đấu giá tài sản khi nào?
- Khi đấu giá theo phương thức đặt giá xuống mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá thì cuộc đấu giá thực hiện như nào?
- Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?
- Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân gây rối loạn lượng cực? Rối loạn lượng cực có tái phát không?