Làm Căn cước công dân mới có bị thu lại Chứng minh nhân dân không? Sử dụng Chứng minh nhân dân hết hạn có bị phạt?
Khi cấp Căn cước công dân mới có bị thu lại Chứng minh nhân dân cũ hay không?
Căn cứ Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:
"Điều 11. Trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
1. Công dân đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để yêu cầu được cấp thẻ Căn cước công dân.
2. Cán bộ Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thu nhận thông tin công dân: Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng; thu nhận vân tay; chụp ảnh chân dung; in phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên; thu lệ phí theo quy định; cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.
3. Thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân."
Như vậy, khi làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chip, cán bộ Công an sẽ thu lại Chứng minh nhân dân cũ.
Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều trường hợp người dân khi làm Căn cước công dân gắn chip vẫn còn giữ Chứng minh nhân dân cũ do khai báo mất, không giao nộp hoặc cán bộ làm thủ tục quên thu lại… nên một số người dân sẽ có cùng lúc hai loại giấy tờ tùy thân là Căn cước công dân gắn chip mới làm và Chứng minh nhân dân cũ.
Làm Căn cước công dân mới có bị thu lại Chứng minh nhân dân không? Sử dụng Chứng minh nhân dân hết hạn có bị phạt?
Sử dụng Chứng minh nhân dân hết hạn sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt khi sử dụng Chứng minh nhân dân hết hiệu lực như sau:
"Điều 10. Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;
c) Không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc."
Như vậy, sau khi cấp Căn cước công dân gắn chip mới mà người dân lại sử dụng Chứng minh nhân dân hết hiệu lực thì có thể vi phạm lỗi “Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân” với mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng.
Tại sao không được sử dụng đồng thời Căn cước công dân gắn chip mới và Chứng minh nhân dân cũ?
Về cơ bản, Chứng minh nhân dân và Căn cước công đều là 2 loại giấy tờ có giá trị chứng minh nhân thân của một người khi tham gia các giao dịch dân sự hay thực hiện các thủ tục hành chính.
Do đó nhiều người dân sẽ thắc mắc tại sao pháp luật không cho phép được sử dụng đồng thời Căn cước công dân gắn chip mới và Chứng minh nhân dân cũ mà phải thực hiện thu hồi.
Để trả lời cho câu hỏi này, ta sẽ chia thành 2 trường hợp. Đối với các trường hợp chỉ dùng để nhận dạng nhân thân, đối chiếu thông tin và không cần ghi lại số Chứng minh nhân dân thì việc sử dụng Chứng minh cũ hầu như không gây ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, trong trường hợp sử dụng Chứng minh nhân dân cũ hết hiệu lực để tham gia vào các hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính, người dân có thể vướng phải những rủi ro pháp lý về sau.
Ví dụ: Khi giao kết hợp đồng dân sự mà sử dụng Chứng minh nhân dân hết hiệu lực thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
Vì vậy, người dân chỉ nên dùng duy nhất Căn cước công dân mới làm để thực hiện tất cả các giao dịch, thủ tục hành chính để đảm bảo thống nhất thông tin và tránh rủi ro, tranh chấp về sau.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lỗi không cài quai mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu đối với người điều khiển xe máy? Bị trừ mấy điểm giấy phép lái xe?
- Mẫu Phiếu khám thai là mẫu nào? Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào? 21 hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh?
- Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng I, II, III là gì?
- Toàn văn Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024? Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 áp dụng từ khi nào?
- Cách xử lý hóa đơn sai tên công ty theo Thông tư 78? Ký hiệu hóa đơn điện tử được quy định như thế nào?