Thời điểm có hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính khi cán bộ, công chức có quyết định kỷ luật về đảng?
Thời điểm có hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính khi cán bộ, công chức có quyết định kỷ luật về đảng?
Về hiệu lực quyết định kỷ luật viên chức tại Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Nguyên tắc xử lý kỷ luật
...
9. Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành; đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm, ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp đã có quyết định kỷ luật về đảng thì hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về đảng có hiệu lực. Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật trong thời gian đang thi hành quyết định xử lý kỷ luật thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều này. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy, trường hợp đã có quyết định kỷ luật về đảng thì hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về đảng có hiệu lực
Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
Thời điểm có hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính khi cán bộ, công chức có quyết định kỷ luật về đảng? (hình từ internet)
Thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức là bao lâu?
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP thì:
Thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Trường hợp có hành vi vi phạm mới trong thời hạn để tính thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.
Theo đó, việc xác định thời điểm có hành vi vi phạm như sau:
- Đối với hành vi vi phạm xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm chấm dứt.
- Đối với hành vi vi phạm chưa chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phát hiện.
- Đối với hành vi vi phạm không xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm có kết luận của cấp có thẩm quyền.
Thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức là:
- 05 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
- 10 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
Lưu ý: Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
- Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
04 trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức là gì?
04 trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Điều 4 Nghị định 112/2020/NĐ-CP bao gồm:
- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm.
- Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008.
- Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ.
- Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 07 nguyên tắc làm việc của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn? Cơ cấu tổ chức như thế nào?
- Cơ quan nào quy định việc kết nạp đoàn viên danh dự? Quyền của đoàn viên danh dự được pháp luật quy định như thế nào?
- Xử lý hành vi phân biệt đối xử về giới trong công tác Dân quân tự vệ như thế nào theo quy định?
- Điều kiện để người có chứng chỉ kế toán viên được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua hộ kinh doanh dịch vụ kế toán là gì?
- Nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Quỹ Hỗ trợ nông dân được quy định như thế nào hiện nay?